Hiện nay rất nhiều người lựa chọn phương pháp khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền. Để hiểu rõ hơn về phương pháp chữa bệnh này, các bạn cùng Trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham khảo trong bài viết dưới đây nhé.
Chữa bệnh bằng Y học cổ truyền là gì?
Chữa bệnh bằng Y học cổ truyền (còn gọi là Đông Y) là sử dụng các bài thuốc được lưu truyền của các dân tộc và sử dụng phương pháp trị liệu như xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu,... để điều trị bệnh.
Một trong những nét độc đáo nhất khi chữa bệnh bằng Y học cổ truyền là cách sử dụng thuốc. Hầu như, nó chỉ sử dụng thuốc có nguồn gốc từ tự nhiên, dựa trên dược tính, hiệu quả của từng vị, từ đó phối hợp với nhau để tạo thành một bài thuốc hoàn chỉnh dựa trên từng ca bệnh cụ thể.
>>> Có thể bạn chưa biết Y học cổ truyền là gì? Tìm hiểu kỹ hơn để biết rõ hơn nhé!
Các nguyên tắc chữa bệnh bằng Y học cổ truyền
Nguyên tắc điều trị của Y học cổ truyền là dựa trên tinh thần nhất quán của phép biện chứng, điều chỉnh chỉnh thể, thuộc tính ngũ hành, kết hợp biểu lý với tạng phủ, vận dụng triệt để những quy luật của học thuyết âm dương trong Y học cổ truyền.
Nếu nắm rõ được những nguyên tắc này, thầy thuốc hoặc bác sĩ sẽ đưa ra được những chỉ định chính xác và phù hợp nhất cho người bệnh.
Chữa bệnh phải theo biện chứng
Thầy thuốc, bác sĩ cần dựa theo các triệu chứng đã khai thác qua tứ chẩn, phân tích xem các triệu chứng ấy khởi phát do nguyên nhân gây bệnh theo y học cổ truyền là nguyên nhân nào, thuộc phủ tạng nào theo bát cương để đưa ra phương pháp điều trị sử dụng thuốc hay không dùng thuốc.
Chữa bệnh phải chú ý gốc, ngọn, hoãn, cấp
- Gốc của bệnh: là nguyên nhân, là bệnh chính, chính khí cơ thể, triệu chứng chính, bệnh thuộc tạng phủ.
- Ngọn của bệnh: là triệu chứng phụ, là bệnh mới mắc trên bệnh mạn, bệnh thuộc biểu.
- Cấp thì trị ngọn (cấp trị tiêu): chỉ những chứng bệnh nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, bệnh này cần phải được cấp cứu kịp thời. Ví dụ như bệnh hen phế quản, khi người bệnh đang lên cơn hen thì phải cắt cơn hen trước.
- Hoãn thì trị gốc (hoãn trị bản): chỉ với bệnh mãn tính chưa phát bệnh thì phải chữa vào gốc bệnh. Ví dụ bệnh hẹn phế quản khi không có cơn ho thì phải chữa vào thận để bệnh nhân không bị tái phát, vì bệnh hen là do thận hư không nạp phế khí.
Không hoãn, không cấp thì chữa cả tiêu lẫn bản.
Chữa bệnh chú ý chính khí và tà khí
Bệnh xảy ra là do chính khí hư và tà khí thực, thực thì tả mà hư thì bổ. Quá trình tiến triển của bệnh tật là sự đấu tranh giữa chính khí và tà khí, do đó người bệnh phải vừa bổ để nâng cao chính khí và vừa tả đề trừ tà khí.
Ví dụ: Những người bị bẩm tố là do dương hư khi gặp lạnh bị cảm mạo phong hàn. Lúc này cần phải bổ dương khí và phát tán phong hàn.
Chữa bệnh chú ý hàn và nhiệt
Đây cũng là một nguyên tắc điều trị trong y học cổ truyền. Khi bệnh hàn thì phải dùng phép ôn ấm, bệnh nhiệt thì phải dùng phép thanh.
Chữa bệnh chú ý nhân thời, nhân địa, nhân trị
Nguyên tắc chữa bệnh của Y học cổ truyền là phải quan tâm tới thời tiết, mùa, nơi ở, tập quán, hoàn cành gia đình, giới tính, lứa tuổi.
Quy trình khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền
Chẩn đoán Y học cổ truyền
Chẩn đoán bệnh Y học cổ truyền dựa trên phương pháp ngoại quan tứ chẩn đó là Vọng chẩn - Văn chẩn - Vấn chẩn - Thiết chẩn:
- Vọng chẩn: Quan sát tình trạng của bệnh nhân.
- Văn chẩn: Lắng nghe âm thanh từ thể trạng và tính chất của những âm thanh đó như tiếng thở, tiếng rên, tiếng ho, hay ngửi mùi phát ra từ người bệnh.
- Vấn chẩn: Hỏi người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân về tiền sử bệnh, diễn tiến bệnh từ lúc khởi bệnh cho đến lúc thăm khám, tính chất bệnh lý ra sao.
- Thiết chẩn: Dùng tay hoặc dụng cụ để xác định vị trí và thể trạng bệnh, thường xem tại da, tay chân, bụng và xem mạch để biết được tình trạng thịnh suy của tạng phủ, vị trí nông sâu, cũng như tính chất hàn nhiệt của bệnh.
>>> Tìm hiểu chi tiết hơn về cách chẩn đoán bệnh theo Phương pháp tứ chẩn trong Y học cổ truyền này như thế nào nhé.
Điều trị Y học cổ truyền
Các phương pháp điều trị bằng Y học cổ truyền thường vận dụng phương pháp châm cứu, bấm huyệt, các thuốc uống hoặc dùng ngoài da. Trong đó, phương pháp châm cứu cho bệnh nhân dựa trên hệ thống kinh mạch với hàng trăm huyệt đạo trên cơ thể.
Các hệ thống huyệt và các đường kinh mạch có mối liên hệ mật thiết với các tạng, phủ trong cơ thể. Để điều trị các rối loạn ở tạng phủ, thầy thuốc sẽ kiểm tra rối loạn kiểu nào thì sẽ can thiệp vào huyệt tương ứng và một sô huyệt khác liên quan để hỗ trợ nếu thấy cần thiết.
Các phương pháp chữa bệnh theo Y học cổ truyền có thể mang lại hiệu quả chữa trị bệnh an toàn và lâu dài. Tuy nhiên, người bệnh cần tham vấn thầy thuốc về việc điều trị để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả điều trị.
Theo dõi bệnh
Sau khi điều trị, bác sĩ hoặc thầy thuốc sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh để điều chỉnh phương pháp điều trị cho phù hợp.
Như vậy, chúng tôi vừa chia sẻ đến bạn những thông tin về các nguyên tắc và quy trình khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền. Để biết phương pháp điều trị phù hợp, bệnh nhân nên đi khám với các bác sĩ và tìm hiểu kỹ về Đông y.