Việc xác định rõ nguyên nhân gây bệnh trong Y học cổ truyền là cực kỳ quan trọng để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Để giúp cho các bạn hiểu rõ hơn về các nguyên nhân gây bệnh này, mời bạn đọc tham khảo ngay bài viết dưới đây.
Đặc điểm và phân loại nguyên nhân gây bệnh
Đặc điểm
Theo quan niệm Y học cổ truyền cho rằng, cơ thể con người và thế giới xung quanh là một thể thống nhất. Vì vậy, quan điểm chỉnh thể được áp dụng để thảo luận về quá trình xuất hiện, phát triển và biến đổi của các yếu tố gây bệnh.
Trong quá trình phát triển bệnh, tại các điều kiện cụ thể, nguyên nhân và kết quả có thể tương tác và chuyển đổi, làm cho kết quả bệnh lý ở giai đoạn này có thể trở thành nguyên nhân gây bệnh ở giai đoạn khác.
Do đó, Y học cổ truyền không chỉ sử dụng phương pháp quan sát trực tiếp mà còn dựa vào các biểu hiện lâm sàng và phân tích các triệu chứng để xác định nguyên nhân. Những thông tin này đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn và áp dụng các phương pháp điều trị sau này.
Phân loại nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây bệnh theo Y học cổ truyền được phân làm 2 loại:
- Nguyên nhân bên trong.
- Nguyên nhân bên ngoài.
- Các nguyên nhân khác.
Các nguyên nhân gây bệnh trong Y học cổ truyền
1. Nguyên nhân bên ngoài
Những nguyên nhân bên ngoài còn được gọi là ngoại nhân, là những yếu tố về thời tiết, khí hậu bất thường. Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hỏa là lục khí của trời, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người.
Ở điều kiện bình thường, lục khí này không ảnh hưởng gì đối với con người, nhưng nếu ở điều kiện bất thường lục khí này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người. Các tà khí này, nhân cơ hội cơ thể đang bị suy yếu (chính khí hư) liền xâm nhập vào cơ thể gây ra bệnh (tà khí thịnh).
Tà khí có quan hệ với thời tiết và thường gây bệnh vào một mùa thích hợp như: mùa xuân hay gặp Phong tà, còn mùa hè hay gặp bệnh Hỏa tà và Thử tà…
Những tà khí khi bị cảm nhiễm sẽ làm tổn thương đến Tạng phủ có quan hệ ngũ hành như: Phong tà hay làm hại Can, Hàn tà hay làm hại Thận,…
Mỗi loại tà khí sẽ có hội chứng riêng, do đó cần phân tích kỹ tình trạng bệnh để tìm ra nguyên nhân.
Phong
Bệnh phong chia là 2 lại là ngoại phong và nội phong:
- Ngoại phong là những nguyên nhân bên ngoài như phong tà đưa lại bệnh cảm phong tà, ví dụ như các bệnh về cảm mạo phong nhiệt, cảm mạo phong hàn. Do phong mang đặc tính dương nên bệnh thuộc loại dương biểu thường bị sốt, ngứa họng, đau đầu, nôn…
- Nội phong do trong cơ thể phát ra, ví dụ như nhiệt cực sinh phong, sốt cao gây phong dấn đến co giật, động kinh…
>>> Tham khảo thêm các nguyên tắc và phương pháp chữa bệnh bằng Y học cổ truyền
Hàn
Hàn là âm tà, thường làm tổn hại dương khí, hàn có hai loại:
- Ngoại hàn do lạnh: hàn là chủ khí của mùa đông nên thường gây bệnh cho cơ thể ở hai mức độ là thương hàn cơ biểu và trúng hàn phủ tạng.
- Nội hàn do dương khí cơ thể suy yếu.
Đặc tính của hàn tà có tính cách ngưng trệ, do đó khi xâm nhập vào cơ thể thường gây đau nhức, làm cho máu huyết đình trệ,… Hàn có tính cách co rút do đó thường gây ra chứng chuột rút, co rút các cơ, cổ vẹo khó xoay trở…
Hàn kết hợp với ngoại tà sẽ tạo phong hàn gây các bệnh về cảm mạo do lạnh, chảy nước mũi, sợ gió, sợ lạnh, đau co cứng cơ, đau dây thần kinh ngoại biên. Ngoài ra nó còn gây ra hàn thấp liên quan đến các bệnh đau bụng, đầy bụng, ỉa chảy do lạnh,…
Thử
Trái với hàn, thử là dương tà, là nắng chủ khí mùa hè nên mang đặc tính sốt viêm nhiệt, mất nước, ra mồ hôi trộn. Tính hay thăng tán, do đó dễ làm tiêu hao tân dịch.
Thử kết hợp với ngoại tà sẽ gây thử nhiệt (bệnh sốt cao ở mùa hè, khát nước, ra mồ hôi nhiều,.. nhẹ gọi là thương thử, nặng là trúng thử) và thử thấp (gây tả chảy, rối loạn tiêu hóa).
Thấp
Thấp chủ sự nặng nề và đình trệ, do vậy mà những triệu chứng có kèm theo thấp thường rất nặng nề. Thấp cũng là âm tà, thường làm hại dương khí gây trở ngại cho khí vận hành.
Táo
Táo có tính khô hanh, vì thế hay làm tổn thương tân dịch và thủy dịch trong cơ thể, gây ra các chứng ho khan, đại tiện, mũi khô, họng khô, ít đờm…
Hỏa
Hỏa thường gọi là nhiệt, có đặc tính dương, là chủ khí mùa hạ. Hỏa khí thường gây sốt cao, đỏ mặt, đỏ họng. Hỏa thường bốc lên, do đó hay gây viêm nhiệt ở phần trên.
Bạn đọc tham khảo thêm: Cách chẩn đoán và phương pháp điều trị trong Y học cổ truyền
2. Nguyên nhân bên trong
Nguyên nhân bên trong chủ yếu do thất tình (Vui, giận, buồn, thương, ghét, sợ, muốn) gây nên, nếu chúng bị kích thích quá độ hoặc kéo dài trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự tuần hoàn của khí huyết, rối loạn chức năng của tạng phủ, gây nên các bệnh về huyết áp cao, bao tử loét hay thần kinh suy nhược.
Theo Y học cổ truyền, thất tình sẽ gây nhiều bệnh ở 3 tạng chính là tâm, tỳ và can:
+ Tâm: ngực đau tức, hay quên, mất ngủ, tinh thần không ổn định, cười nói huyên thuyên, điên cuồng…
+ Can: hay cáu gắt, kinh nguyệt không đều, hông sườn đầy tức…
+ Tỳ: biếng ăn, ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa…
Có thể hiểu đơn giản rằng thất tình là biểu hiện của âm chứng buồn, lo… Âm sinh âm, nên thường làm cho phần âm của cơ thể bị tổn hại, phần âm của cơ thể giữa gặp nhất chính là huyết. Mà ba tạng Tâm, Can và Tỳ liên hệ trực tiếp đến huyết (Tâm chủ huyết, Can tàng huyết và Tỳ thông huyết) do đó 3 tạng này bị chịu ảnh hưởng nhiều của thất tình.
3. Một số nguyên nhân khác
Những nguyên nhân này được gọi là bất nội ngoại nhân, có nghĩa là không phải do cảm nhiễm bởi tà khí lục dâm, cũng không phải do thất tình làm cơ thể suy yếu mà sinh bệnh. Những nguyên nhân này có thể kế đến như: ứ huyết, ăn uống, lao động, sang chấn, đàm ẩm, trùng thú cắn…
Nguyên nhân gây bệnh trong Y học cổ truyền có sự liên hệ mật thiết với nhau. Những nguyên nhân bên ngoài khó có thể xâm nhập vào cơ thể nếu cơ thể khỏe mạnh, nguyên nhân bên trong sẽ phát tính hay phát triển nặng hơn nếu gặp phải một số nguyên nhân khác.
Bài viết được tổng hợp bởi Trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch, hi vọng đã đem đến những thông tin hữu ích giúp bạn đọc hiểu được các nguyên nhân gây bệnh theo Y học cổ truyền.