Các phương pháp điều trị trong Y học cổ truyền thường được kết hợp với nhau để mang lại hiệu quả tốt nhất. Vậy đó là những phương pháp nào? Trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ giúp bạn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Vai trò của Y học cổ truyền trong điều trị bệnh mạn tính
Thế mạnh của Y học hiện đại là chẩn đoán bệnh và điều trị cấp cứu, thì Y học cổ truyền lại rất có tác dụng đối với bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính hoặc có di chứng do tai biến. Chính vì vậy, Y học cổ truyền đã khẳng định được giá trị của mình trong điều trị bệnh mặc dù nền Y học hiện đại phát triển mạnh.
Y học hiện đại với sự phát triển của công nghệ, trang thiết bị máy móc giúp cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh được kịp thời, nhanh chóng. Trong khi đó, Y học cổ truyền giúp người bệnh phục hồi lại các chức năng do di chứng của tai biến mạch máu não, viêm đau khớp, tiểu đường, và các bệnh mạn tính khác.
Khám bệnh trong Y học cổ truyền thường sử dụng phương pháp tứ chẩn gồm vọng, văn, vấn, thiết.
Tham khảo thêm: Các nguyên nhân gây bệnh trong Y học cổ truyền
Các phương pháp điều trị bằng Y học cổ truyền hiện nay
Có hai phương pháp điều trị trong Y học cổ truyền là dùng thuốc và không dùng thuốc:
- Phương pháp dùng thuốc là sử dụng các loại cây thảo dược có trong tự nhiên. Những thảo dược này ít gây phản ứng phụ, chi phí phù hợp, bệnh nhân có thể yên tâm điều trị lâu dài.
- Phương pháp không dùng thuốc là sử dụng các liệu pháp như châm cứu, xoa bóp - bấm huyệt, thủy chân, tập dưỡng sinh,… giúp bệnh nhân dần hồi phục sức khỏe.
Phương pháp châm cứu
Châm cứu là phương pháp điều trị bệnh dựa trên hệ thống kinh mạch của cơ thể. Theo các bác sĩ Y học cổ truyền hệ thống kinh mạch, huyệt đạo và lục phủ ngũ tạng của cơ thể con người có mối quan hệ mật thiết với nhau. Vì vậy khi bộ phận nào gặp vấn đề thì sẽ châm cứu vào huyệt đạo tương nhằm lưu thông khí huyết, giải trừ tà khí, cải thiện tình trạng bệnh.
Tuy nhiên để thực hiện được phương pháp này có hiệu quả, thầy thuốc Đông Y phải xác định chính xác các huyệt đạo trên cơ thể, nếu châm cứu sai có thể sẽ khiến người bệnh bị đuối sức, mệt mỏi, thậm chí gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.
Phương pháp xoa bóp - bấm huyệt
Phương pháp xoa bóp - bấm huyệt cũng khá giống với phương pháp châm cứu. Tuy nhiên, thay vì sử dụng kim để châm vào huyệt đạo thì phương pháp này là dùng tay xoa bóp trên các huyệt đạo của bệnh nhân với lực tùy chỉnh. Phương pháp này thường được dùng để điều trị các vấn đề sức khỏe ở bên ngoài cơ thể.
Phương pháp thủy châm
Thủy châm hay còn gọi là tiêm thuốc vào huyệt, là phương pháp chữa bệnh Tây y kết hợp với Đông y, sử dụng thuốc tiêm châm kim vào các huyệt vị dựa theo học thuyết kinh lạc của Y học cổ truyền.
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc tiêm có tác dụng khác nhau như: thuốc có tác dụng toàn thân, thuốc tác dụng tăng cường và duy trì sự kích thích châm kim vào huyệt giúp nâng cao hiệu quả chữa bệnh. Tuỳ vào từng loại bệnh mà thầy thuốc Đông y sẽ lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất.
Phương pháp xông hơi, ngâm thuốc
Phương pháp xông hơi, ngâm thuốc sử dụng các loại thuốc từ tinh dầu tác động lên vùng nằm bên ngoài cơ thể như gân cơ, da, niêm mạc,... có tác dụng đả thông kinh lạc, hoạt huyết, trừ thấp, tán hàn, tiêu viêm, khu phong,… để chữa bệnh.
Phương pháp xông hơi và ngâm thuốc có tác dụng giúp người bệnh giảm đau do cứng khớp, co gân cơ, kích thích hệ tuần hoàn, thần kinh, tiêu hoá, tăng cường chuyển hóa và kích hoạt hệ thống miễn dịch.
Phương pháp điều trị bằng tia hồng ngoại
Sử dụng tia hồng ngoại là một trong các phương pháp chữa bệnh theo Y học cổ truyền, tức là dùng nhiệt nóng từ các loại đèn hồng ngoại để sưởi ấm, giảm đâu, giãn cơ, tăng cường lưu thông máu và chống viêm.
Phương pháp điều trị bằng Laser châm
Đây là một phương pháp điều trị bằng Y học cổ truyền đặc biệt, bác sĩ dùng ánh sáng từ thiết bị laser công suất thấp khoảng <=250 milliwatt, chiếu vào các huyệt đạo trên hệ thống kinh lạc, mục đích là giúp cơ thể lập lại cân bằng âm dương.
Ưu và nhược điểm của phương pháp điều trị bằng Y học cổ truyền
Ưu điểm của Y học cổ truyền
Các phương pháp điều trị bằng Y học cổ truyền thường có tính an toàn cao, ít tác dụng phụ bởi sử dụng bằng các loại nguyên liệu từ thiên nhiên như hoa, quả, lá, thân, rễ cây,…
Thế mạnh của Y học cổ truyền chính là điều trị các bệnh mạn tính như đái tháo đường, xương khớp, cơ,… bằng các phương pháp châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, bổ sung dưỡng chất có lợi cho sức khỏe.
Nhược điếm của Y học cổ truyền
So với Tây y thì thuốc trong Đông y không mang đến hiệu quả tức thời, tác dụng của các loại thảo dược thường đến chậm, do đó đòi hỏi người bệnh phải kiên trì trong việc điều trị.
Việc điều chế các loại thuốc Đông ý tốn nhiều thời gian, rất kỳ công và thường có mùi nặng, mỗi lần pha chế phải được pha với thể tích lớn gây cảm giác khó chịu cho người uống.
Hiện nay, nền Y học cổ truyền được công nhận là mang lại hiệu quả cao trong điều trị các bệnh mạn tính và ngày nay phương pháp này đang được kết hợp với Tây y để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực trong ngành Y học cổ truyền vô cùng hạn chế, bằng chứng là các cơ sở khám chữa bệnh Y học cổ truyền ở địa phương còn rất ít và đội ngũ y bác sĩ Y học cổ truyền còn hạn chế về số lượng.
Như vậy chúng tôi vừa chia sẻ thông tin chi tiết về các phương pháp điều trị bằng Y học cổ truyền. Hy vọng đã giúp bạn đọc có thêm nhiều kiến thức để phục vụ cho việc học tập. Chúc các bạn thành công.