Rối loạn lipid máu chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về tim mạch. Do đó, cần phải có hiểu biết về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị rối loạn lipid máu để bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của mình.
- Viêm ruột thừa là gì? Vỡ ruột thừa có nguy hiểm không?
- Cách thực hiện kỹ thuật đặt sonde dạ dày
- Nên uống sắt vào lúc nào trong ngày để có hiệu quả tốt nhất?
Rối loạn lipid máu chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về tim mạch
1. Rối loạn lipid máu là gì?
Rối loạn lipid máu là tình trạng lượng cholesterol và triglycerid ở trong máu tăng một cách bất thường, đồng thời làm giảm lượng HDL-C trong máu. Rối loạn lipid máu sẽ có thể gây ra rất nhiều bệnh lý nguy hiểm về tim mạch như: tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành… Hậu quả của tình trạng này chính là khiến cho bệnh nhân có thể bị tai biến mạch máu não và dẫn đến đột quỵ.
Ngoài ra, khi bị rối loạn lipid máu khiến cho lượng lipid tăng lên gây ra tình trạng viêm tụy cấp. Nếu như tình trạng này diễn ra nhiều lần sẽ có thể trở thành viêm tụy mạn tính và dẫn đến biến chứng bị tiểu đường.
2. Nguyên nhân bệnh Rối loạn lipid máu
Hiện nay, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, nguyên nhân rối loạn lipid máu chủ yếu do những lý do dưới đây:
- Do ăn uống: Nếu như ăn quá nhiều chất có chứa nhiều dầu mỡ, chất béo và sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích trong thời gian dài sẽ gây ra tình trạng rối loạn lipid máu.
- Tăng huy động: Đối với những người thường xuyên có tâm lý căng thẳng, stress, những người bị bệnh tiểu đường sẽ tăng cường sử dụng lượng lipid được dự trữ ở trong cơ thể khiến cho quá trình chuyển hóa lipid bị rối loạn.
- Rối loạn lipid máu do lắng đọng trong cơ thể: Khi cơ thể giảm các chất tiêu mỡ gây ra rối loạn quá trình chuyển hóa làm mỡ bị lắng đọng trong cơ thể.
3. Triệu chứng bệnh Rối loạn lipid máu
Những người mắc bệnh rối loạn lipid máu thường không có biểu hiện hay triệu chứng rõ rệt. Các dược sĩ Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch chỉ ra những triệu chứng thường gặp nhất của bệnh sẽ bao gồm:
- Một số dấu hiệu bất thường của cơ thể: Hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, thở ngắn, thở dốc, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, vã mồ hôi…
- Dưới da xuất hiện các vết ban vàng nhưng không ngứa, không đau
- Có những triệu chứng về bệnh tim mạch như: nặng ngực, đau thắt ngực, tức ngực, ngực thường xuyên có cảm giác bị bóp nghẹt, các cơn đau thường lan đến 2 cánh tay và cả vùng sau lưng. Một số trường hợp có biểu hiện của những bệnh mạch máu ngoại vi như: Đầu ngón chân tay bị đau buốt, tê bì
- Xuất hiện những triệu chứng ở đường tiêu hóa như: Đầy bụng, khó tiêu do gan và tụy đã bị ảnh hưởng bởi lượng lipid máu bị tăng cao ở trong một thời gian dài.
Những người mắc bệnh rối loạn lipid máu thường không có biểu hiện hay triệu chứng rõ rệt
4. Rối loạn chuyển hóa lipid có nguy hiểm không?
Rối loạn lipid máu thường không gây ra những biểu hiện đặc trưng bên ngoài. Tuy nhiên, chúng lại là nguyên nhân tiềm tàng gây ra nhiều căn bệnh nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng bệnh nhân:
- Xơ vữa động mạch: Rối loạn lipid máu là một trong những nguy cơ hàng đầu gây ra các bệnh về tim mạch, điển hình là xơ vữa động mạch. Nếu như chỉ số LDL tăng quá nhiều, cholesterol lưu thông trong máu và lắng đọng tại các thành mạch. Chúng sẽ kết hợp các chất khác gây ra các mảng xơ vữa động mạch, làm hẹp, thậm chí tắc lòng mạch hoàn toàn.
- Nhồi máu cơ tim: Một nguyên nhân chính gây nên nhồi máu cơ tim chính là do rối loạn lipid máu. Tình trạng này kéo dài gây hẹp lòng mạch, tạo ra các cơn đau thắt ngực. Khi bệnh tiến triển nặng sẽ làm hẹp mạch, nứt vỡ và hình thành các cục máu đông bịt kín lòng mạch, gây tắc nghẽn động mạch cung cấp máu cho tim. Đó chính là nguyên nhân nhồi máu cơ tim, dẫn đến tử vong.
- Tai biến mạch máu não: Tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid còn là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não. Nguyên nhân là bởi động mạch cảnh bị tắc nghẽn,xơ vữa, máu không lưu thông được lên não với những hệ lụy nghiêm trọng khác.
- Tăng huyết áp: Như đã biết, rối loạn lipid máu gây hẹp lòng mạch và khiến máu lưu thông kém. Điều đó đòi hỏi tim phải làm việc nhiều hơn, co bóp mạnh hơn tạo áp lực máu lên thành mạch. Từ đó gia tăng nguy cơ bị tăng huyết áp.
- Không chỉ vậy, bệnh rối loạn Lipit máu còn làm tăng nguy cơ mắc phải một số bệnh khác như viêm tụy cấp, đái tháo đường, nhiễm lipit võng mạc hay gan nhiễm mỡ…
Bởi vậy, việc kiểm soát, hướng dẫn điều trị rối loạn Lipit máu cực kỳ cần thiết để cải thiện sức khỏe đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh khác.
5. Các biện pháp điều trị bệnh rối loạn lipid máu
Nắm được những nguyên nhân gây bệnh ở trên để xác định được phương pháp điều trị rối loạn Lipit máu Bộ Y Tế cụ thể dưới đây:
- Khi điều trị rối loạn lipid máu ở trẻ em: phương pháp điều trị chủ yếu sẽ là chế độ luyện tập và ăn uống. Chỉ sử dụng thuốc để điều trị trong những trường hợp bị rối loạn chuyển hóa có tính chất do gen hoặc do di truyền. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc sẽ cần phải tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị.
- Điều trị rối loạn chuyển hóa đối với những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường: phương pháp điều trị được ưu tiên sử dụng chính là dùng thuốc kết hợp với thay đổi lối sống theo chỉ định của bác sĩ. Đối với những người bị suy gan, suy thận cần phải phối hợp điều trị bệnh cùng với cách điều trị tình trạng rối loạn lipid.
- Điều trị rối loạn lipid máu bằng cách điều chỉnh lối sống: Thường xuyên luyện tập thể dục, cải thiện chế độ ăn uống, ít ăn những đồ ăn có nhiều dầu mỡ, trứng lộn, nội tạng động vật, hải sản, cùng với đó là hạn chế sử dụng rượu bia và chất kích thích sẽ giúp điều trị tình trạng rối loạn lipid máu hiệu quả hơn.
Lưu ý: Người bệnh Không được tự ý sử dụng thuốc để điều trị bệnh và các loại thuốc điều trị rối loạn lipid máu có thể mà cho men gan tăng và tiêu cơ vân. Để an toàn và hiệu quả thì tốt nhất bạn hãy đi khám thường xuyên nếu bị rối loạn chuyển hóa, kiểm tra chỉ số lipid máu bằng xét nghiệm sinh hóa và sử dụng thuốc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ. Khi sử dụng thuốc điều trị cần phải được theo dõi thường xuyên và tái khám định kỳ. Khi được chẩn đoán rối loạn lipid máu cần phải được theo dõi thường xuyên vì nếu lượng mỡ trong máu tăng cao mà không được kiểm soát trong thời gian dài có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng như: tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim, viêm tụy cấp…
Trên đây là một số thông tin cơ bản về tình trạng rối loạn lipid máu và biện pháp điều trị cụ thể đã được tổng hợp lại. Hy vọng bài viết này đã cung cấp những thông tin thực sự hữu ích đối với bạn đọc. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe!