Dược sĩ có vai trò quan trọng trong xã hội để đảm bảo bệnh nhân sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả hơn. Họ là những chuyên gia có kiến thức và kỹ năng cần thiết để cung cấp cho bệnh nhân. Vậy bạn hiểu Dược sĩ là gì? Cơ hội làm việc của ngành Dược sĩ sau khi kết thúc sẽ như thế nào? Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc cho các bạn.
1. Dược sĩ là gì?
Dược sĩ (tiếng Anh đọc là Pharmacist) là những người hành nghề Dược trong ngành Y tế, có chuyên môn về Thuốc, Dược phẩm để chăm sóc sức khỏe. Họ được đào tạo để cung cấp thông tin về thuốc, tư vấn cho bệnh nhân cách sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả.
Nhiều người nghĩ rằng, công việc của Dược sĩ là bán thuốc. Tuy nhiên, Dược là một ngành rất rộng, có nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, nội dung công việc cũng sẽ khác nhau.
Các nhiệm vụ công việc chính mà Dược sĩ đảm nhận như:
- Hướng dẫn, tư vấn bệnh nhân cách dùng thuốc, đưa ra các khuyến cáo để đạt hiệu quả cao.
- Cấp phát thuốc theo đơn yêu cầu của bác sĩ.
- Giám sát tình hình sức khỏe của bệnh nhân trong quá trình sử dụng thuốc trong bệnh viện.
- Nghiên cứu, bào chế và sản xuất các loại thuốc mới. Hoặc đảm nhận kiểm nghiệm thuốc để đảm bảo chất lượng thuốc cung ứng ra bên ngoài.
- Làm giảng viên, tham gia công tác giảng dạy tại các trường Dược.
- Bán thuốc, theo dõi quá trình điều trị bằng thuốc đối với các bệnh nhân, mở quầy thuốc nếu như có được chứng chỉ hành nghề dược.
2. Các công việc của Dược sĩ sau khi ra trường?
Như đã nói ở trên, Dược sĩ sau khi ra trường có thể đảm nhận nhiều công việc khác nhau tùy thuộc vào khả năng và sở thích. Vì vậy, Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ liệt kê các vị trí ở dưới đây giúp bạn có thể lựa chọn hơn.
Nghiên cứu, bào chế và kiểm nghiệm thuốc:
Dược sĩ sẽ nghiên cứu và bào chế các loại thuốc mới. Nghiên cứu các phản ứng của thuốc với từng nhóm người, phân tích rõ từng thành phần, công dụng của thuốc, kiểm nghiệm và đánh giá xem sản phẩm đó có đủ tiêu chuẩn để cấp phép lưu hành hay không.
Nơi làm việc sẽ là Viện Dược liệu, Viện kiểm nghiệm thuốc, Viện Dịch tễ,... hoặc các phòng ban nghiên cứu phát triển thuốc của công ty làm về Dược.
Nghiên cứu viên tiến hành các thử nghiệm lâm sàng
Dược sĩ cần phải thử nghiệm lâm sàng trên động vật rồi trên con người sau khi nghiên cứu xong công thức thuốc có khả năng điều trị. Công việc chính của bạn là liên hệ tới các đơn vị nhận thử thuốc lâm sàng. Sau đó phối hợp với họ để thử nghiệm thuốc.
Việc thử nghiệm lâm sàng thành công thì thuốc mới có thể được cấp phép và sản xuất hàng loạt trên thị trường. Vì vậy, đây là công việc cực kỳ quan trọng và phù hợp cho các bạn thích nghiên cứu và phân tích.
Làm việc tại các nhà máy Dược phẩm:
Các Dược sĩ sẽ vận hành máy móc trong nhà máy sản xuất thuốc. Phối hợp các bên nghiên cứu để bào chế thuốc tăng hiệu quả hơn, bảo quản cũng như độ bền của thuốc.
Với công việc này, bạn có thể làm tại các nhà máy xí nghiệp Trung Ương 1, 2, 3, 25,... Bên cạnh đó, bạn cũng có thể làm ở các xí nghiệp của các công ty Dược phẩm được cấp phép hoạt động.
Bào chế, sản xuất và kiểm nghiệm thuốc theo công thức có sẵn
Với công thức có sẵn, bạn sẽ tham gia sản xuất thuốc theo quy trình sẵn có tại xí nghiệp hoặc công ty, triển khai sản xuất đại trà để bán cho người sử dụng. Tuy nhiên, Dược sĩ cũng có trách nhiệm trong việc kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng của thuốc, đảm bảo thuốc đạt tiêu chuẩn để lưu hành trên thị trường.
Trình Dược viên, phân phối thuốc
Trình Dược viên đảm bảo việc giới thiệu thuốc tới người dùng như bác sĩ, nhà thuốc hay bệnh nhân. Để làm tốt vị trí này, ngoài kiến thức chuyên môn về Dược, bạn cần phải có thêm những kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm, các kiến thức về Sale, marketing,... Đây cũng là cơ hội giúp bạn có thêm kinh nghiệm để ứng dụng nếu sau này tự mở hiệu thuốc.
Hiện nay phần lớn, thuốc vẫn nhập từ nước ngoài. Do đó, đây là lĩnh vực tiềm năng và mang lại nguồn thu nhập rất khá. Công việc này phù hợp cho những bạn thích nghiên cứu vả quản lý.
Dược lâm sàng
Công việc này là hướng dẫn, tư vấn cho bệnh nhân cách sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả. Phối hợp với các bác sĩ để thiết kế danh mục thuốc trong bệnh viện. tham gia vào quá trình chăm sóc cho bệnh nhân,...
Lĩnh vực này đang cần nguồn nhân lực lớn, có kiến thức chuyên môn và phẩm chất tốt để chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân phục hồi tốt nhất. Dược sĩ lâm sàng thường làm việc tại các bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc hoặc chuyên viên tư vấn cho gia đình.
Dược sĩ nhà thuốc
Nhiệm vụ của Dược sĩ nhà thuốc là tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cách, đúng liều cho bệnh nhân và có trách nhiệm cấp phát thuốc theo đơn của bác sĩ.
Đây là công việc cũng khá quen thuộc và thường làm việc trong bệnh viện hoặc tại các nhà thuốc.
Quản lý Dược
Với bộ phận này, bạn sẽ làm các công việc quản lý thuốc như quản lý chất lượng thuốc, đấu thầu thuốc ở Tỉnh hoặc tại các bệnh viện, làm việc ở các Sở, phòng Y tế, chịu trách nhiệm đảm bảo các loại thuốc chất lượng đang lưu hành trên thị trường.
Marketing Dược
Những người làm trong lĩnh vực này sẽ sẽ có nhiệm vụ Marketing, thực hiện các công việc hỗ trợ trình dược viên như lên kế hoạch, tổ chức truyền thông quảng cáo, tổ chức các sự kiện, phỏng vấn, khảo sát nghiên cứu thị trường,... để đưa được các sản phẩm tới khách hàng. Công việc này khá phù hợp cho các bạn có kiến thức, kỹ năng về Marketing.
Đào tạo nhân lực cho ngành Dược
Với Dược sĩ có đủ trình độ chuyên môn và sư phạm, bạn có thể làm giảng viên, giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp Y Dược. Công việc này phù hợp cho các bạn có kiến thức chuyên môn, khả năng nghiên cứu khoa học và đam mê dạy học.
Chuyên viên dịch thuật ngành Dược
Với nhiều sản phẩm từ nước ngoài thì chuyên viên dịch thuật ngành Dược cũng là công việc có nhiều cơ hội cho các bạn. Nhiệm vụ của bạn là dịch tài liệu sản phẩm, các loại thuốc, dịch tài liệu liên quan tới chất được bào chế để sản xuất thuốc, cách sử dụng đúng cách, đúng liều hay tác dụng phụ,...
Công việc này cần có chuyên môn cao và chỉ được thực hiện bởi các chuyên viên có đầy đủ các kiến thức về Y dược học. Bạn có thể làm tại các công ty dịch thuật có dịch vụ dịch tài liệu về Y tế nếu đạt yêu cầu.
Làm việc tại các cơ quan, tổ chức liên quan về Y tế
Với công việc ở vị trí này, Dược sĩ có thể làm tại các cơ quan, tổ chức phi chính phủ (NGOs) trong nước hoặc các tổ chức Y tế Quốc tế tại Việt Nam. Ví dụ như Cục quản lý Dược, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam,...
Như vậy có thể thấy, công việc dược sĩ khá đa dạng, mức lương của dược sĩ hiện nay cũng rất tốt, điều này giúp cho ngành dược sĩ đang trở thành một trong những ngành HOT hiện nay.
Một gợi ý cho các bạn đã đang và chuẩn bị theo học Dược thì hãy chuẩn bị cho mình kiến thức Sách Dược điển Việt Nam 4 mọi sinh viên Y dược đều phải có đây là cuốn sách rất cần thiết cho các bạn trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu của các bạn.
3. Phẩm chất của một người dược sĩ
Muốn thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào thì đầu tiên bạn phải thực sự đam mê, thực sự yêu thích và tâm huyết với nghề thì mới có thể thành công.
Trong số những yếu tố làm nên thành công của người tốt nghiệp ngành Dược thì ngoài chương trình đào tạo tốt từ trường học thì phẩm chất của dược sĩ là điều không thể thiếu.
Nắm vững kiến thức chuyên môn ham học hỏi: Lựa chọn nghề dược sĩ tức là chọn một ngành gắn liền với các dược phẩm gánh trên vai sức khỏe, tính mạng của người khác. Do đó, người dược sĩ cần phải nắm vững kiến thức chuyên môn của mình để có thể tư vấn được cho bệnh nhân và trợ giúp cho các bác sỹ trong quá trình khám và kê đơn thuốc. Bên cạnh đó ham học hỏi chính là yếu tố quan trọng để đưa chúng ta tới cánh cửa của sự thành công. Ham học hỏi sẽ góp một phần quan trọng đến kết quả học tập cũng như kiến thức chuyên môn của bạn sau này.
Kiên trì, tỉ mẩn, chính xác: Là một dược sĩ tức là phải tiếp xúc với hàng trăm, hàng ngàn loại thuốc với những công dụng khác nhau. Là một dược sĩ câng phải ghi nhớ được các loại thuốc, phân biệt được các dược liệu. Nếu không có phẩm chất dược sĩ với đức tính tỉ mỉ sẽ rất khó. Hơn nữa, bốc thuốc kê toa sẽ tác động trực tiếp lên sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh nên đòi hỏi độ chính xác rất cao.
Kĩ năng tư vấn tư duy tốt: Để trở thành một dược sĩ giỏi thì cần phải có được kĩ năng tư vấn bởi ngoài việc bán thuốc hay kê đơn thuốc thì dược sĩ còn là một người tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân cũng như cộng đồng. Thực tế thì kiến thức ngành Dược khá đa dạng với nhiều đối tượng bệnh. Bởi vậy nếu như bạn không có sẵn khả năng tư duy thì rất khó để bạn được tiếp thu kiến thức dễ dàng và vận dụng nó với từng trường hợp bệnh.
Có ý chí mạnh mẽ, chịu được áp lực cao: Mỗi ngành nghề có thể sẽ có những áp lực riêng và ngành Dược cũng vậy. Không chỉ có những vất vả, khó khăn trong quá trình học và công việc của ngành nghề này cũng có đặc thù, đòi hỏi bạn phải có được ý chí mạnh mẽ, và lạc quan trong cuộc sống. Đây là phẩm chất của người Dược sĩ cần phải có được.
4. Vậy Làm thế nào để trở thành một Dược sĩ?
Để trở thành một dược sĩ trong tương lai, bạn cần đăng ký học cao đẳng Dược tại các trường Cao đẳng Y Dược trên toàn quốc, nếu như bạn không đủ điểm số vào Đại học.
Hiện nay, các trường Cao đẳng ngoài việc tuyển sinh cũng chú trọng hơn về chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng cũng như cập nhật được những phương thức đào tạo tốt nhất từ các trường Đại học học trong và ngoài nước.
Trên đây là chi tiết về Dược sĩ là gì và những công việc sau khi trở thành dược sĩ. Hi vọng với bài viết này, Trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ giúp ích cho các bạn lựa chọn ngành học phù hợp.