Y học dự phòng là ngành liên quan đến việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh tật và duy trì sức khỏe của cộng đồng. Vậy để biết ngành Y học dự phòng là gì? Ra trường làm công việc gì? Mời các bạn theo dõi ngay bài viết dưới đây của chúng tôi.
Y học dự phòng là gì?
Y học dự phòng là ngành học về các biện pháp phòng bệnh, khám chữa bệnh nhằm mục đích cải thiện sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật trước khi xảy ra.
Ngành Y học dự phòng gồm có 2 mảng chính đó là:
- Thực hiện chương trình Y tế công cộng, chương trình Y tế quốc gia, cũng như tham gia các hoạt động của tổ chức chính phủ về Y tế, phát triển cộng đồng.
- Tham gia quản lý, chăm sóc người bệnh tại cộng đồng, tham gia cấp cứu, phục hồi chức năng, điều trị các bệnh thường gặp ở tuyến cơ sở.
Ngành Y học dự phòng hướng đến mục tiêu là ngăn chặn sự phát triển, sinh sôi, cũng như kiểm soát nguồn bệnh và nâng cao sức khỏe của cá nhân, gia đình và cộng động.
➤ Xem thêm: Ngành Khoa học và Công nghệ Y khoa là gì? Ra trường là gì?
Học Y học dự phòng ra trường làm gì?
Ngành Y học dự phòng đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh. Nhiệm vụ chính của ngành học này chính là thực hiện các kế hoạch và biện pháp ngăn chặn và bảo vệ nâng cao sức khỏe, giảm khả năng mắc bệnh cũng sự ngăn chặn sự phát triển của nguồn bệnh.
Sau khi tốt nghiệp ngành Y học dự phòng, sinh viên có thể đảm nhận nhiều công việc khác nhau như:
- Làm việc tại Bộ Y tế, viện nghiên cứu về chuyên ngành Y học dự phòng.
- Trở thành giảng viên tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp về Y học dự phòng.
- Làm việc tại các trung tâm Y tế dự phòng từ các cấp từ cơ sở đến trung ương.
- Làm việc tại các phòng tiêm chủng và phòng chống bệnh dịch.
- Chăm sóc bệnh nhân và nâng cao sức khỏe cộng đồng tại các trung tâm Y tế.
- Tham gia công tác tuyên truyền và giáo dục sức khỏe tại bệnh viện, trường học và các tổ chức tương tự.
- Tham gia quản lý và chăm sóc bệnh nhân tại cộng đồng.
- Làm việc tại các khoa/phòng chức năng của bệnh viện, như các phòng tổ chức hành chính, phòng kế hoạch, quản trị giáo tài, nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến.
- Làm việc tại các hiệp hội nghề nghiệp như Hiệp hội Y học, hiệp hội Y học dự phòng, Y tế cộng đồng, và các tổ chức tương tự.
- Làm việc tại các tổ chức chính phủ và tổ chức phi chính phủ liên quan đến lĩnh vực Y tế.
➤ Tìm hiểu thêm về Ngành Y tế công cộng là gì? Học xong Y tế công cộng ra làm gì?
Khối thi và các trường đào tạo ngành Y học dự phòng
Mã ngành: 7720110
Ngành Y học dự phòng xét tuyển tổ hợp môn sau:
- Khối B00: Thi với môn Toán - Hóa học - Sinh học.
- Khối D07: Thi với môn Toán - Hóa học - Tiếng Anh.
- Khối D08: Thi với môn Toán - Sinh học - Tiếng Anh.
- Khối A00: Thi với môn Toán - Lý - Hóa học.
Dưới đây là danh sách các trường đào tạo ngành Y học dự phòng theo khu vực:
Khu vực miền Bắc:
- Đại học Y Hà Nội
- Đại học Y Dược Hải Phòng
- Đại học Y Dược Thái Nguyên
- Đại học Y Dược Thái Bình
Khu vực miền Trung:
- Đại học Y Dược Huế
- Đại học Y Khoa Vinh
Khu vực miền Nam:
- Đại học Y Dược TP.HCM
- Đại học Trà Vinh
- Đại học Nguyễn Tất Thành
- Đại học Y Dược Cần Thơ
➤ Xem thêm: Ngành Quản trị kinh doanh: Học gì, cơ hội việc làm sau khi ra trường?
Y học dự phòng học bao nhiêu năm? Chương trình học thế nào?
Chương trình đào tạo hệ Đại học chính quy ngành Y học dự phòng thường kéo dài 6 năm và được chia thành các nhóm kiến thức chính sau đây.
Nhóm kiến thức giáo dục đại cương:
- Khoa học Mác Lênin - TT Hồ Chí Minh.
- Khoa học tự nhiên (Tin học, lý sinh, hóa học, sinh học, di truyền, xác suất thống kê,...).
- Khoa học xã hội (Tâm lý học - Y đức, Nhà nước và Pháp luật).
- Ngoại ngữ cơ bản.
- Giáo dục thể chất.
- Giáo dục quốc phòng.
Nhóm kiến thức giáo dục chuyên nghiệp:
- Kiến thức cơ sở của ngành (Giải phẫu, sinh lý học, mô phôi, hóa sinh,...).
- Kiến thức chuyên ngành bắt buộc (Nội cơ sở, ngoại cơ sở, nội bệnh lý, ngoại bệnh lý, nhi, phụ sản, truyền nhiễm,...).
- Kiến thức chuyên ngành tự chọn (Vaccine, thảm họa, y học lao động, khống chế các bệnh phổ biến, bệnh nghề nghiệp,…).
Ngành Y học dự phòng là sự kết hợp của nhiều chuyên ngành gồm y học lâm sàng, y tế cộng đồng và y học gia đình. Do vậy chương trình đào tạo ngành này sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng sau:
Chuyên ngành Y học lâm sàng:
- Chẩn đoán, điều trị và chăm sóc các bệnh thường gặp.
- Xét nghiệm và thăm dò chức năng.
- Thực hiện một số kỹ thuật xét nghiệm.
- Chăm sóc toàn diện và tư vấn sức khỏe cho những người mắc các bệnh thường gặp.
Chuyên ngành Y tế cộng đồng:
- Thu thập và phân tích thông tin về sức khỏe cộng đồng.
- Phát hiện, tổ chức phòng chống dịch bệnh.
- Thực hiện các chương trình Y tế quốc gia tại khu vực địa phương.
- Tổ chức tuyên truyền và giáo dục về phương pháp phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Chuyên ngành Y học gia đình:
- Quản lý, đào tạo cán bộ Y tế.
- Tư vấn và chăm sóc sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.
- Điều trị các bệnh gia đình và giáo dục về đời sống lành mạnh cho gia đình.
Trên đây đều là những công việc mang ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và duy trì sức khỏe, đồng thời đóng góp tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh của cộng đồng.
Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch vừa tổng hợp những thông tin cần biết về ngành Y học dự phòng, hy vọng có thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về ngành học này, cũng như dễ dàng đưa ra sự lựa chọn ngành nghề phù hợp với lực học cũng như sở thích của mình.