Theo quy định của Bộ GD&ĐT học sinh khi học hết chương trình giáo dục phổ thông đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT nhưng không dự thi hoặc thi nhưng không đạt yêu cầu thì sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Vậy cụ thể quy định về việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT như thế nào. Mời bạn đọc cùng chúng tôi đi tìm hiểu nhé.
Quy định về việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT
Việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT được Quy định theo Luật Giáo dục 2019 như sau: "Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ GD&ĐT nhưng không dự thi hoặc thi nhưng không đạt yêu cầu thì sẽ được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông".
Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT có thể được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp hoặc sử dụng trong những trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.
Hai đối tượng được áp dụng quy định này cụ thể như sau:
- Học sinh đã học xong chương trình giáo dục phổ thông trong năm tổ chức thi;
- Học sinh đã học xong chương trình giáo dục phổ thông nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT, hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm về trước.
Cơ quan có trách nhiệm và nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh, học viên thuộc các đối tượng trên thuộc về các trường giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Mẫu giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 18/2020/TT-BGDĐT ban hành kèm theo mẫu giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Việc quản lý, sử dụng phôi, cấp, phát, chỉnh sửa, thu hồi, hủy bỏ, cấp bản sao giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT được thực hiện như đối với văn bằng, chứng chỉ được quy định tại Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành kèm theo Quy chế quản lý Bằng tốt nghiệp THCS, Bằng tốt nghiệp THPT, Bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, Bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và các chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.
Sổ gốc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông phải được ghi thông tin đầy đủ và chính xác, có đánh số trang, đóng dấu giáp lai, không được tẩy xóa, đảm bảo việc quản lý chặt chẽ cũng như lưu trữ vĩnh viễn.
Trong vòng 10 ngày kể từ khi học sinh hết hạn việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và trong thời gian 10 ngày kể từ khi công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, các cơ sở giáo dục nếu có nhu cầu mua phôi giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông sẽ gửi công văn đăng ký mua phôi về Sở GD&ĐT.
>>> Bạn đọc xem thêm: Không thi tốt nghiệp THPT có bằng cấp 3 không?
Mẫu giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT
Căn cứ tại phụ lục I Mẫu giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm Thông tư 18/2020/TT-BGDĐT quy định kích thước của giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông là 19x13,5 cm. Mặt trước nền màu nâu có hình Quốc huy, các chữ được in màu vàng. Mặt sau có nền màu trắng, hoa văn viền màu vàng, chữ màu đen, hình trống đồng được in chìm ở chính giữa.
Cụ thể mẫu giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT được in như sau:
>>>Bạn đọc tham khảo thêm:
- Hồ sơ và thủ tục cấp lại bằng tốt nghiệp THPT bị mất
- Hướng dẫn cách kiểm tra bằng tốt nghiệp THPT thật hay giả?
Căn cứ tại phụ lục I mẫu giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm Thông tư 18/2020/TT-BGDĐT quy định rõ cách ghi nội dung trên giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông như sau:
(1) Ghi họ tên của người được cấp giấy chứng nhận theo đúng như trên giấy khai sinh.
(2) Ghi ngày tháng năm sinh theo như giấy khai sinh. Nếu ngày sinh từ ngày 1 đến ngày 9, tháng sinh là tháng 1, tháng 2 thì ghi thêm số 0 ở phía trước; ghi năm sinh đầy đủ gồm 04 chữ số (Ví dụ: 07/02/1981).
(3) Ghi địa danh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo như giấy khai sinh.
(4) Ghi “Nam” hoặc “Nữ” theo như giấy khai sinh.
(5) Ghi theo giấy khai sinh.
(6) Ghi năm đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
(7) Ghi tên cơ sở giáo dục nơi người học đã hoàn thành chương trình trung học phổ thông.
(8) Ghi tên địa danh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính.
(9) Ghi ngày tháng năm cấp giấy chứng nhận.
(10) Thủ trưởng cơ sở giáo dục nơi người học đã hoàn thành chương trình trung học phổ thông ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu theo quy định.
(11) Do cơ quan in phôi ghi.
(12) Do cơ sở giáo dục ghi vào sổ gốc cấp giấy chứng nhận.
Như vậy, trên đây Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch đã tổng hợp những thông tin liên quan đến giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT mà học sinh sẽ nhận được sau khi học xong chương trình giáo dục phổ thông. Hy vọng bài viết đã mang đến những kiến thức hữu ích cho bạn đọc. Đừng quên theo dõi bài viết tiếp theo để cập nhật kiến thức hữu ích khác nhé. Chúc bạn thành công!