Tiền sản giật là một bệnh lý liên quan đến thời kỳ thai nghén ở nữ giới, nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể gây nên những biến chứng nặng nề cho mẹ và thai nhi. Do vậy bất cứ chị em nào cũng nên nắm được “tiền sản giật là gì” và những thông tin liên quan để ứng phó kịp thời.
Tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật hay còn gọi là tình trạng nhiễm độc thai nghén, đây là tình trạng rối loạn gây nguy hiểm với những phụ nữ mang thai sau tuần thứ 20 với những biểu hiện như phù, tăng huyết áp và protein niệu.
Tiền sản giật xảy ra trước khi lên cơn giật. Tình trạng bệnh này có thể kéo dài vài giờ, vài ngày hoặc vài tháng tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh.
Bình thường khi thai nhi phát triển trong tử cung của người mẹ. Qúa trình đó được nuôi dưỡng từ bánh nhau. Cơ quan của bánh nhau có vai trò rất quan trọng với chức năng chính là giúp trao đổi chất dinh dưỡng từ máu của mẹ sang thai nhi. Cấu tạo của bánh nhau bao gồm các gai nhau cắm sâu và niêm mạc trong tử cung của người mẹ để trao đổi máu có oxy đến và trả lại CO2. Do vậy mà khi gai nhau tiếp xúc với người mẹ được coi là một yếu tố lạ. Trường hợp gặp các vấn đề như các bệnh lý về mạch máu, có yếu tố di truyền sẵn trong gen của người mẹ gây ra hiện tượng giảm tiết máu từ tử cung đến nhau thai.
Tham khảo thêm:
- Bệnh tụt canxi là gì? Có nguy hiểm không?
- Bệnh lao xương có lây không? Biến chứng của bệnh như thế nào?
Với quá trình trên sẽ có thể xuất hiện hàng loạt những bất lợi như gây rối loạn các chất vận mạch bao gồm: Endothelin, Prostaglandin, Nitric Oxide kết hợp với các chất độc hại như Lipid, Cytokines, Peroxidase. Những yếu tố này gây nên hậu quả tăng huyết áp, thấm mao mạch gây tiểu đạm và phù. Trường hợp người bệnh không được can thiệp kịp thời có thể gây nên tình trạng nặng dần với những dấu hiệu như giảm tiểu cầu, cô đặc máu, co giật, thiểu niệu.
Hiện nay vẫn chưa xác định rõ ràng được nguyên nhân gây tiền sản giật. Một vài giả thuyết cho rằng tình trạng này xảy ra có thể là do sự mất cân bằng prostaglandin - đây là một chất giúp duy trì hoạt động co bóp của các cơ trơn và thư giãn cơ thể đồng thời đóng vai trò rất quan trọng trong sự vận động co lại của những mạch máu trong quá trình mang thai của mẹ.
Những dấu hiệu tiền sản giật là gì?
Dấu hiệu tiền sản giật là gì? Câu hỏi này nhận được khá nhiều sự quan tâm của các chị em. Dưới đây ban tư vấn trường Cao đẳng Y Dược HCM sẽ chia sẻ ngay để các bạn nắm bắt được những triệu chứng phát hiện bệnh kịp thời.
Phụ nữ mang thai ở tuần thứ 20 huyết áp thường tăng đột ngột tối đa 140mmHG và tối thiểu>90mmHg. Ở thời điểm này, phụ nữ có những triệu chứng phù toàn thân, qua xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu có nồng độ đạm >0,3g/l.
Triệu chứng tiền sản giật nặng là gì? Khi người bệnh có những dấu hiệu như huyết áp tăng tối thiểu trên 110mmHg, đạm niệu trên 3g/l, thiểu niệu dưới 100ml/4 giờ kèm theo những biểu hiện như mờ mắt, nhức đầu, phù phổi cấp, đau vùng thượng vị hay suy tim. Qua siêu âm thai có thể thấy thai tăng trưởng chậm trong tử cung và xét nghiệm chức năng gan giảm kèm theo những dấu hiệu như tiểu cầu giảm, men gan tăng cao và creatinin trong máu tăng cao.
Dấu hiệu sản giật: Thường kèm đi với những biểu hiện có các cơn co giật. Tuy nhiên để phát hiện chính xác bệnh lý này thì phải có những bằng chứng dấu hiệu liên quan trước đó để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Những cơn co giật được mô tả như sau: Bắt đầu là mặt rung, một vài giây sau sẽ bị co cứng toàn thân giai đoạn này có thể kéo dài từ 15 - 20 giây có thể khiến hàm mở ra và khép lại rất mạnh và mí mắt cũng vậy. Cùng với cơ mặt là những cơ khác cũng luân phiên thay nhau giãn rất nhanh. Thời gian co giãn cơ có thể kéo dài trong vòng 1 phút, sản phụ có thể bị té xuống giường hoặc cắn lưỡi do cử động hàm. Về sau những cử động cơ sẽ bị yếu dần và người mẹ sẽ bị bất động, thở sâu rồi rơi vào trạng thái hôn mê. Sau khi tỉnh dậy, người mẹ sẽ không thể nhớ được cơn co giật vừa xảy ra.
Những dấu hiệu trên cho thấy tình trạng nguy hiểm của người bệnh có thể đe dọa đến tính mạng cho mẹ và thai nhi. Những biến chứng hội chứng HELL bao gồm những dấu hiệu như men gan tăng, rối loạn đông máu lan tỏa, tán huyết, giảm tiểu cầu, suy thận cấp, phù phổi cấp và xuất huyết não...Triệu chứng nào cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Do vậy cần biết cách điều trị kịp thời cho người bệnh.
Cách điều trị chứng tiền sản giật và sản giật
Theo các bác sĩ chuyên khoa Phụ sản cho biết biện pháp điều trị chứng tiền sản giật và sản giật hiệu quả nhất đó là chấm dứt thai kỳ sao cho có lợi nhất cho cả mẹ và con.
Trong trường hợp mẹ bị sản giật nhẹ, sinh non tháng, người mẹ sẽ tự theo dõi và nên đi tái khám tuần 1 lần. Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm, huyết đồ, chức năng gan thận, xét nghiệm đông máu toàn bộ, nhóm máu và đồng thời phân tích nước tiểu….
Các mẹ nên ghi nhớ đo huyết áp ngày 2 lần và ghi nhớ những thông số, theo dõi cân nặng, thai máy và nên nghỉ ngơi hoàn toàn.
Với trường hợp sản phụ bị nặng sẽ có dấu hiệu tăng cân nhanh, hoa mắt, nhìn mờ, nhức đầu, đau vùng thượng vị và có thai máy yếu, tiểu ít nước tiểu có màu đậm, huyết áp tăng cao...Người bệnh nên đi tái khám ngay nếu gặp phải những triệu chứng trên.
Phòng ngừa tiền sản giật, sản giật như thế nào?
Hiện nay do vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây tiền sản giật nên những biện pháp phòng ngừa bệnh lý này thường ở thế thụ động. Thông thường chị em phải quản lý quá trình mang thai chặt chẽ, qua đó người mẹ cần phải cung cấp những thông tin đầy đủ về bản thân và điều trị bệnh lý tốt nhất kể cả trường hợp bạn bị đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý mạch máu cũng cần nâng cao chất lượng cuộc sống đồng thời có chế độ dinh dưỡng đầy đủ trong quá trình mang thai. Cần phải phát hiện sớm những thay đổi về tình trạng huyết áp bất thường kèm theo sự xuất hiện đạm trong nước tiểu để có kế hoạch phát hiện và điều trị bệnh lý ngay từ đầu.
Trên đây là những thông tin về bệnh lý tiền sản giật là gì, nếu có thắc mắc gì bạn hãy để lại câu hỏi dưới comment để được giải đáp nhé.