Canxi có vai trò rất quan trọng trong cơ thể. Nó không chỉ tốt cho sự phát triển của xương mà còn có vai trò quan trọng trong việc dẫn truyền tín hiệu thần kinh lên não, sự co cơ...Rất nhiều người chủ quan trong việc bị tụt canxi. Các bạn cùng tìm hiểu bệnh tụt canxi trong bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan vai trò của Canxi trong cơ thể
Canxi được biết đến là một khoáng chất thiết yếu trong cơ thể. Có thể thấy canxi đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của cơ thể như tham gia vào quá trình co cơ, tham gia vào quá trình đông máu, giải phóng các hormon và dẫn truyền thần kinh. Với những trẻ bị thiếu Canxi thì không chỉ bị còi xương, chiều cao hạn chế mà trẻ còn hay bị khóc đêm, giật mình, đổ mồ hôi...Với người lớn bị thiếu Canxi thì có nguy cơ nhanh chóng bị loãng xương, gai cột sống, còng lưng và nhiều biến chứng khác.
Nguồn cung cấp canxi chính cho cơ thể là thức ăn, nước uống. Từ đó việc hấp thu canxi từ ruột và đào thải qua thận. Với một chế độ dinh dưỡng đầy đủ thì sẽ phải cung cấp cho cơ thể khoảng 1.000mg Canxi trong đó có khoảng 200mg Canxi bị đào thải qua đường mật và các dịch tiêu hóa khác.
Thông thường, mỗi ngày có khoảng 200 - 400mg Canxi được hấp thu từ ruột vào máu. Qúa trình này phụ thuộc vào nồng độ Vitamin D trong máu, lượng Canxi còn lại được đào thải qua phân. Chỉ có khoảng 1% Canxi trong xương là tự do trao đổi với dịch tế bào, do vậy cơ thể luôn sẵn sàng để điều chỉnh nồng độ Canxi trong máu ổn định. Một người khỏe mạnh thì nồng độ Canxi toàn phần trong máu dao động từ 8,8 đến 10,4 mg/dl.
Tham khảo thêm:
Nguyên nhân gây nên bệnh tụt Canxi là gì?
Tụt Canxi là tình trạng nồng độ Canxi huyết thanh toàn phần dưới 8,8mg/dl ( 2,20mmol/l) trong điều kiện protein huyết thanh bình thường hoặc lượng Canxi ion dưới 4,7mg/dl. Theo các thầy cô Cao Đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch, có nhiều nguyên nhân gây tụt canxi máu là:
Do tăng tạo xương trong khi cơ thể không được bổ sung đủ Canxi, thường xảy ra với những trường hợp: Trẻ em đang nằm trong giai đoạn phát triển nhanh, với phụ nữ đang mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ.
Người mắc phải hội chứng kém hấp thu do rối loạn tiêu hóa kéo dài, suy tuyến cận giáp trạng có thể làm giảm sự bài tiết parathyroid hormone gây hạ canxi máu đồng thời tăng phốt pho trong máu gây nên những cơn tetani mãn tính.
Người bị thiếu hụt Vitamin D và mắc phải các bệnh lý về thận như suy thận, bệnh lý ống thận.
Một số nguyên nhân khác của người bệnh như viêm tụy cấp, thiếu hụt Magie, tăng phốt pho máu. Một số thước có khả năng gây tụt canxi như thuốc chống động kinh, rifampicin, do truyền máu nhiều hoặc dùng thuốc cản quang.
Dấu hiệu bệnh tụt canxi là gì?
Dấu hiệu bệnh tụt canxi thường không thể hiện rõ trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi một lượng Canxi nhất định bị mất đi thì người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng như tê lưỡi, môi, đầu ngón chân, các đầu ngón tay. Tiếp theo là sự co cơ khắp cơ thể, cụ thể khi sự co cơ này diễn ra ở bàn tay thì sẽ có biểu hiện “bàn tay đỡ đẻ”, có nghĩa là bàn tay không xòe ra được. Khi co thắt các cơ ở chân thì sẽ có “dấu bàn đạp” nghĩa là chân duỗi ra như thể đang đạp xe.
Triệu chứng bệnh tụt canxi có thể gây co thắt vùng cơ mặt và toàn thân đau nhức, khi co thắt các cơ hô hấp thì có thể gây khó thở. Một số trường hợp bệnh nặng có thể gây co giật toàn thân hoặc khu trú.
Những dấu hiệu bệnh tụt canxi ngày càng biểu hiện rõ khi có những kích thích như: cãi nhau, buồn bã, tức giận, mệt mỏi, căng thẳng hay sốt.
Bệnh tụt canxi có nguy hiểm không?
Câu hỏi trên nhận được không ít những băn khoăn của nhiều người. Các bác sĩ cho biết tình trạng tụt canxi có thể khiến bệnh nhân bị kích thích, hoảng sợ, thở gấp hơn. Những cơ trơn có thể bị co thắt gây nên những triệu chứng như nôn mửa, đau bụng và nguy hiểm hơn là co thắt thanh môn khiến cho người bệnh bị suy hô hấp, loạn nhịp tim nếu như lượng canxi trong máu bị tụt xuống thấp. Tình trạng này có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời.
Với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh cũng có thể bị tụt canxi do vậy cần phải được đi thăm khám và điều trị kịp thời. Bởi tình trạng này có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ. Cụ thể tình trạng này có thể được phát hiện một vài ngày đầu tiên sau khi sinh hoặc cũng có thể phát hiện muộn do chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Bất cứ trẻ em nào khi có những biểu hiện bệnh tụt Canxi thì cần phải được đi thăm khám, đánh giá và điều trị sớm.
Cần phải làm gì khi bị bệnh tụt canxi?
Thay đổi chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý
Một số thực phẩm rất giàu Canxi như tôm, cua, ốc, mực, sò, sữa...kết hợp với việc tắm nắng buổi sớm để tổng hợp Vitamin D. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một số rau củ quả có tác dụng bổ sung và tổng hợp canxi khá tốt như cải thìa, bí xanh, đậu bắp, củ cải, rau bina, một số loại quả khô như đậu đỏ, đậu trắng, đậu phộng rất tốt cho bệnh nhân bị tụt Canxi.
Không nên sử dụng một số loại thức uống có hại như rượu, muối, cafe bởi nó sẽ làm giảm khả năng hấp thu Canxi trong cơ thể.
Người bệnh cần thay đổi chế độ sinh hoạt hợp lý: Tránh làm việc căng thẳng, thức khuya thay vào đó là thường xuyên đi tập thể dục, ngủ sớm giải trí để cơ thể khỏe khoắn nhất.
Khi nào cần sơ cứu bệnh nhân bị tụt Canxi
Với những trường hợp tụt Canxi nhiều bị ngất thì ngay lập tức cần phải được sơ cứu ngay. Nên đưa bệnh nhân vào nơi thoáng mát. Vỗ nhẹ hai bên má bệnh nhân để họ được tỉnh táo. Sau đó thử ấn huyệt nhất trung ( ở giữa mũi và miệng).
Nên cho người bệnh uống ngay một viên Canxi dạng sủi hòa tan trong nước . Trường hợp hai hàm răng của người bệnh cứng lại không mở ra được thì bắt buộc phải dùng thìa bón cho bệnh nhân hoặc đánh thức người bệnh tỉnh lại để uống thuốc.
Sau khi thực hiện một số biện pháp sơ cứu trên xong, người bệnh cần phải được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
Trên đây là bài viết tổng quan về bệnh tụt canxi, hi vọng sẽ giúp người bệnh có biện pháp xử lý kịp thời và phòng ngừa bệnh hiệu quả. Những bài viết về sức khỏe sẽ tiếp tục được cập nhật trong chuyên mục tiếp theo, các bạn nhớ theo dõi nhé.