Số lô sản xuất thuốc thường xuất hiện trên nhãn các sản phẩm dược phẩm. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc số lô sản xuất thuốc là gì hay cách ghi số lô sản xuất thuốc như thế nào chưa? Cùng Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch đi tìm lời giải cho thắc mắc này nhé.
Số lô sản xuất thuốc là gì?
Tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 01/2018/TT-BYT quy định số lô sản xuất thuốc là ký hiệu được ghi bằng số hoặc bằng chữ, hoặc kết hợp cả số và chữ nhằm mục đích nhận biết lô thuốc.
Nhà sản xuất sẽ quyết định ký hiệu số lô sản xuất, đảm bảo có thể nhận biết lô thuốc và có thể truy xét toàn bộ lai lịch của lô thuốc bao gồm các thông tin như tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất, hoạt động kiểm tra chất lượng, nguyên liệu làm thuốc và thông tin lưu hành lô thuốc đó.
Số lô sản xuất thuốc được viết như thế nào?
Tại khoản 1 Điều 29 Thông tư 01/2018/TT-BYT quy định cách ghi số lô sản xuất thuốc, ngày sản xuất, hạn dùng như sau:
>>> Bạn đọc tham khảo thêm thông tin: Thuốc không kê đơn là gì và danh mục các loại thuốc không kê đơn
- Số lô sản xuất:
Số lô sản xuất thuốc được viết đầy đủ là “Số lô sản xuất” hoặc có thể viết tắt theo một trong các cụm từ sau đây: “Số lô SX”, “SLSX”, “Lô SX”, “LSX” kèm theo thông tin về ký hiệu số lô sản xuất. Thông tin và cấu trúc của ký hiệu số lô sản xuất được quy định bởi nhà sản xuất.
- Ngày sản xuất, hạn dùng (hoặc hạn sử dụng):
- Ngày sản xuất, hạn dùng (hoặc hạn sử dụng) sẽ được viết đầy đủ là “Ngày sản xuất”, “Hạn dùng” hoặc “Hạn sử dụng” hoặc có thể được viết tắt bằng chữ in hoa là “NSX”, “HD” hoặc “HSD”, tiếp sau đó là các thông tin về ngày sản xuất và hạn sử dụng của thuốc.
- Ngày sản xuất, hạn dùng được ghi theo thứ tự là ngày, tháng, năm dương lịch. Thông tin ngày, tháng ghi bằng hai chứ số, còn năm được ghi bằng bốn chữ số.
- Mốc thời gian chỉ ngày, tháng, năm phải ghi trên cùng một dòng và được phân cách bằng dấu “/” (ngày/tháng/năm), “.” (ngày.tháng.năm), “-” (ngày-tháng-năm), dấu cách (ngày tháng năm) hoặc ghi liền nhau các số chỉ ngày tháng năm.
- Trường hợp ngày sản xuất và hạn dùng của tất cả các thành phần trong sản phẩm là như nhau thì sẽ ghi chung ngày sản xuất, hạn dùng trên nhãn bao bì ngoài của sản phẩm.
- Trường hợp ngày sản xuất, hạn dùng các thành phần trong sản phẩm là khác nhau thì hạn sử dụng của thành phần có thời gian ngắn nhất trên nhãn bao bì ngoài của bộ sản phẩm hoặc ghi cụ thể hạn dùng của từng thành phần trong bộ sản phẩm.
Nhãn gốc ghi số lô sản xuất thuốc bằng tiếng nước ngoài thì trên nhãn phụ phải ghi như thế nào?
Xem thêm: Bạn đọc có thể xem thêm: Thuốc kê đơn và những lưu ý khi sử dụng thuốc kê đơn
Nhãn gốc ghi số lô sản xuất thuốc, ngày sản xuất, hạn dùng bằng chữ nước ngoài thì trên nhãn phụ được ghi như sau:
- Ngày sản xuất (NSX), hạn dùng (HD/HSD), số lô sản xuất (LSX/SLSX) xem thông tin ghi ngày sản xuất, hạn dùng, số lô sản xuất bằng chữ nước ngoài được in trên nhãn bao bì gốc của sản phẩm.
Ví dụ: NSX, HD, SLSX xem “Mfg Date”, “Exp Date”, “Lot.No.” in trên bao bì.
- Trên nhãn tiếp xúc trực tiếp với thuốc ghi hạn dùng theo dạng “tháng/năm”, còn trên nhãn bao bì ngoài ghi hạn dùng đầy đủ theo dạng “ngày/tháng/ năm”, như vậy thì hạn dùng của thuốc sẽ được tính theo hạn dùng ghi trên nhãn bao bì bên ngoài sản phẩm.
- Trên nhãn tiếp xúc trực tiếp với thuốc và trên nhãn bao bì ngoài đều ghi hạn dùng theo dạng “tháng/năm” thì ngày sản xuất ghi trên nhãn như sau:
- Trường hợp trên nhãn gốc có ghi ngày sản xuất đầy đủ dạng “ngày/tháng/năm” thì hạn dùng ghi trên nhãn phụ sẽ được tính và ghi theo ngày sản xuất được ghi trên nhãn bao bì gốc của sản phẩm.
- Trường hợp trên nhãn gốc ngày sản xuất được ghi theo dạng “tháng/năm”, thì hạn sử dụng là ngày cuối cùng của tháng hết hạn, trong nhãn phụ phải ghi dòng chữ: “hạn dùng là ngày cuối cùng của tháng hết hạn”.
Như vậy với những chia sẻ ở bài viết trên đây, hy vọng bạn đọc có thể nắm rõ được các thông tin về số lô sản xuất thuốc. Chúc bạn thành công và đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo của chúng tôi để không bỏ lỡ những thông tin hữu ích khác nhé.