Dược là ngành học đóng vai trò quan trọng cho hệ thống Y tế hiện nay, tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ những kiến thức cần thiết về ngành học này. Vậy Dược phẩm là gì? Vai trò của dược phẩm trong đời sống như thế nào? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây và cùng chúng tôi tìm hiểu.
Dược phẩm là gì?
Dược phẩm hay còn gọi là thuốc, chỉ các sản phẩm dùng để chẩn đoán, chữa bệnh, điều trị hoặc phòng ngừa bệnh.
Theo Tổ chức y tế thế giới WHO, dược phẩm được hiểu là các sản phẩm bao gồm hai thành phần cơ bản là thuốc Tân dược và thuốc Y học cổ truyền, có công dụng cụ thể cùng các chỉ định rõ ràng về thành phần.
Tại Việt Nam theo Thông tư số 07/2004/TT – BYT, dược phẩm sẽ bao gồm:
- Nguyên liệu, phụ liệu, bao bì tá dùng trong sản xuất thuốc.
- Thuốc thành phẩm được cấp phép đăng ký tại Việt Nam.
- Thuốc thành phẩm chưa được đăng ký tại Việt Nam nhưng cần thiết cho nhu cầu điều trị của bệnh nhân.
- Các loại dược liệu, tinh dầu, sản phẩm thuốc có nguồn gốc từ thực vật được sử dụng trong việc chế biến phục vụ ngành công nghiệp dược cả trong Đông y và Tây y.
Có thể thấy, định nghĩa Dược phẩm tại Việt Nam so với các nước có sự khác biệt. Cụ thể, dược phẩm được hiểu là chất hỗn hợp sử dụng cho con người chữa bệnh, phòng bệnh, hay điều chỉnh chức năng sinh lý của cơ thể, phải có thông tin rõ ràng về thành phần, công dụng và chống chỉ định.
Vai trò của dược phẩm trong đời sống
Việc sử dụng dược phẩm trong phòng, chữa bệnh cũng như tăng cường sức khỏe là một nhu cầu tất yếu với đời sống của con người. Cùng với sự phát triển của ngành Dược, đã có nhiều loại thuốc mới ra đời và nhiều bệnh hiểm nghèo, dịch bệnh được khắc phục.
Những năm gần đây, vai trò của thuốc được các nhà hoạch định, người bệnh và cộng đồng đặc biệt quan tâm. Do nếu thiếu hụt các loại thuốc có thể gây lo lắng và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống chính trị - xã hội.
Như vậy, đảm bảo dược phẩm đầy đủ là vấn đề xã hội nhạy cảm bất cứ quốc gia nào cũng đều quan tâm và vai trò của người Dược sĩ cũng hết sức quan trọng. Họ không chỉ chuẩn đoán, kê toa cho người bệnh mà cũng cần có cái tâm và đạo đức làm nghề.
Dược phẩm gồm những dạng nào?
Dược phẩm được phân loại theo nhiều cách khác nhau. Cụ thể:
Theo góc độ sản xuất
- Thuốc thành phẩm là dạng thuốc đã qua tất cả các giai đoạn sản xuất, kể cả đóng gói trong bao bì cuối cùng và dán nhãn.
- Vắc xin là chế phẩm chứa kháng nguyên tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch, được dùng với mục đích phòng bệnh.
- Sinh phẩm y tế là sản phẩm có nguồn gốc sinh học được dùng để phòng bệnh, chữa bệnh và chẩn đoán bệnh cho người.
- Nguyên liệu làm thuốc là chất tham gia vào thành phần cấu tạo sản phẩm trong quá trình sản xuất thuốc.
Theo mục đích sử dụng
- Thuốc phòng bệnh.
- Thuốc chẩn đoán bệnh.
- Thuốc chữa bệnh.
Theo nguồn gốc của thuốc
- Dược liệu sơ chế với nguồn gốc tự nhiên.
- Dược liệu tổng hợp.
- Dược liệu dạng bào chế.
Theo định dạng của thành phần
- Thuốc uống dạng lỏng.
- Thuốc viên nén.
- Thuốc dạng siro.
- Thuốc có thể hòa tan.
- Thuốc dạng kem.
Có thể thấy, dược phẩm có nhiều phân loại nhưng phân loại theo góc độ sản xuất là phổ biến, được sử dụng nhiều nhất. Đồng thời tại các quốc gia có thể có sự khác biệt trong việc phân loại các sản phẩm dược phẩm.
Các đặc điểm của Dược phẩm
Trong nền kinh tế thị trường, dược phẩm cũng là một loại hàng hóa. Do vậy, nó cũng mang đầy đủ thuộc tính của hàng hóa. Việc sản xuất cung ứng dược phẩm tuần thủ đúng quy đinh được chi phối bởi các quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh.
Cụ thể dược phẩm bao gồm các đặc điểm cụ thể sau đây:
Tính xã hội và ảnh hưởng đến nhiều cá nhân
Dược phẩm thể hiện rõ tính xã hội và nhân đạo, nó là hàng hóa đặc biệt có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng sức khỏe con người. Do đó, dược phẩm đòi hỏi phải có sự quản lý và hỗ trợ chặt chẽ của Nhà nước, các Bộ ban ngành nhằm đảm bảo tuyệt đối về chất lượng, được sử dụng an toàn hợp lý, có hiệu quả, tiết kiệm.
Có hàm lượng chất xám cao và trình độ kỹ thuật tiên tiến
Để có được một loại thuốc mới con người phải sử dụng nhiều thành tựu của nhiều ngành như hóa học, sinh học, vật lý học, các kỹ thuật phục vụ cho việc nghiên cứu, sản xuất. Bởi vậy chỉ những người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật mới thực hiện được.
Có chi phí lớn cho nghiên cứu và phát triển
Thời gian trung bình để phát minh ra loại thuốc mới và đưa vào sử dụng sẽ khoảng 10 năm, với chi phí khoảng trên 250 USD. Thuốc cũng cần được thử nghiệm lâm sàng nhiều lần, do đó việc nghiên cứu, phát triển, quy trình sản xuất, phân phối và bảo quản là rất lớn.
Tính độc quyền cao và mang lại lợi nhuận lớn
Ngành Dược có tính độc quyền cao và mang lại lợi nhuận lớn. Do dược phẩm mới lưu hành thường gắn với sở hữu độc quyền công nghiệp của hãng dược phẩm đã đầu tư chi phí và nghiên cứu sản xuất. Điều này cũng hợp lý bởi những chi phí đầu tư và nghiên cứu đã bỏ ra trước đó.
Tuân thủ chặt các tiêu chuẩn về chất lượng
Tại mỗi quốc gia sẽ có tiêu chuẩn riêng biệt đối với các loại dược phẩm. Một số tiêu chuẩn thường được các quốc gia phát triển nghiêm ngặt thực hiện có thể kể đến như nhóm 5 GPs trong ngành Dược:
- Tiêu chuẩn sản xuất thuốc tốt GMP (Good Manufacturing Practice)
- Tiêu chuẩn kiểm nghiệm thuốc tốt GLP (Good Laboratory Practice)
- Tiêu chuẩn bảo quản thuốc tốt GSP (Good Storage Practice)
- Tiêu chuẩn phân phối thuốc tốt GDP (Good Distribution Practice)
- Tiêu chuẩn thực hành tốt nhà thuốc GPP (Good Pharmacy Practice)
Vai trò quan trọng giữa người mua và người bán
Trên thị trường dược phẩm có tính chất đặc biệt hơn so với thị trường các loại hàng hóa tiêu dùng khác. Bởi thường người Dược sĩ, Bác sĩ mới là người có vai trò quyết định trong việc mua thuốc chứ không phải người sử dụng.
Hy vọng những thông tin chia sẻ của ban tư vấn Trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã giúp các bạn hiểu rõ Dược phẩm là gì, vai trò của dược phẩm trong đời sống. Để cập nhật thêm các kiến thức mới về ngành Y dược hãy thường xuyên ghé chuyên mục này nhé!