Ngành Công nghệ sinh học hiện nay có nhiều bước phát triển nhanh chóng, tuy nhiên ngành vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải có nhiều chính sách đột phá để đẩy mạnh phát triển. Cùng chúng tôi đi tìm hiểu những khó khăn của ngành Công nghệ sinh học ngay dưới đây nhé.
Những khó khăn của ngành Công nghệ sinh học hiện nay
Trong những năm qua, ngành Công nghệ sinh học nước ta đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý, nhiều công trình nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội và có nhiều đột phá trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, y dược, môi trường.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Nghị quyết số 36-NQ/TW, Công nghệ sinh học phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của kinh tế-xã hội trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ như ngày nay.
Một số lĩnh vực quan trọng của Công nghệ sinh học còn lạc hậu so với các nước trong khu vực và thế giới, và ngành này chưa thực sự trở thành một ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng.
Nguyên nhân của những yếu kém trên là do nguồn kinh phí và nguồn nhân lực cho ngành Công nghệ sinh học còn hạn chế, dẫn đến việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH không được đầu tư đúng mức.
Ngoài ra, do nhận thức chưa được đầy đủ của không ít các cấp ủy, chính quyền về vai trò, và tầm quan trọng của Công nghệ sinh học. Cơ chế, chính sách chưa phù hợp, thiếu sự hấp dẫn, phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan chức năng, viện nghiên cứu, doanh nghiệp gây ra khó khăn trong việc phát triển và ứng dụng Công nghệ sinh học.
Theo TS Nguyễn Trung Nam, Phó viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ngành này ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có chính sách đặc thù riêng, thiếu các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Nguồn lực đầu tư cho các phòng thí nghiệm trọng điểm còn khá ít và kinh phí cho các đề tài nghiên cứu còn hạn chế, thiếu tính liên tục và dài hơi.
>>> Bạn đọc có thể tham khảo thêm: Cơ hội việc làm và mức lương ngành Công nghệ sinh học
Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Công nghệ sinh học
Để ngành Công nghệ sinh học phát triển nhanh cũng như đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, theo PGS, TS Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cần phải có chính sách khuyến khích và tạo ra được môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp để những người đam mê khoa học được làm việc và cống hiến hiến hết mình cho nền Công nghệ sinh học nước nhà.
Để bảo đảm kết quả nghiên cứu của mình không bị xâm phạm, đồng thời nâng cao giá trị lao động, tạo tiền đề thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, và hỗ trợ phát triển kinh tế các nhà khoa học có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời Nhà nước cũng cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính về chuyển giao công nghệ, điều này sẽ giúp cho việc thúc đẩy chuyển giao các kết quá nghiên cứu từ viện, trường cho doanh nghiệp.
Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực Công nghệ sinh học; tạo cơ chế để các trường, viện liên kết với doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể liên kết với doanh nghiệp, địa phương liên kết với địa phương và trong nước liên kết với nước ngoài để tạo thành hệ sinh thái, nguồn lực hỗ trợ cho ngành Công nghệ sinh học phát triển.
>>> Bạn đọc xem thêm: Ngành Công nghệ sinh học trường nào tốt nhất
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, có các cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất sản phẩm Công nghệ sinh học và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ mới, sở hữu trí tuệ. Ngoài ra cần thúc đẩy hợp tác quốc tế với các tổ chức, cộng đồng khoa học và công nghệ quốc tế để có thể học hỏi, chia sẻ kiến thức kỹ thuật tiên tiến.
TS Lê Thị Nhi Công, Viện Công nghệ sinh học kiến nghị:
Nước ta cần tập trung vào phát triển và ứng dụng Công nghệ sinh học trong các lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp, Y dược...
Nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo nhân lực ngành Công nghệ sinh học từ giáo dục phổ thông đến Đại học và sau Đại học; gắn liền đào tạo với nghiên cứu khoa học và nhu cầu thực tiễn, nhằm đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Tăng cường hợp tác quốc tế; có các chính sách mua, chuyển giao, trao đổi, trong đó quan tâm việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới, có giá trị cao trong lĩnh vực Công nghệ sinh học của thế giới vào Việt Nam.
Tóm lại, ngành Công nghệ sinh học phát triển thì đồng nghĩa với việc nâng cao sức cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên để đạt được điều này cần có sự đồng thuận và hành động quyết liệt từ phía cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học và công nghệ.
Có nên học ngành Công nghệ sinh học không?
Ngành Công nghệ sinh học là một trong những ngành nhận được sự quan tâm của xã hội bởi tính ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Để biết được mình có nên học ngành Công nghệ sinh học không, thì điều quan trọng đầu tiên là bạn cần phải tìm hiểu kỹ về ngành học để biết xem mình có phù hợp với ngành hay không? Nhu cầu nhân lực hiện nay của ngành học này như thế nào? từ đó mới có thể đưa ra quyết định chính xác.
Để thành công trong ngành Công nghệ sinh học, ngoài kiến thức cơ bản vững chắc, thì bạn cần phải có kỹ năng phân tích, xử lý dữ liệu, tư duy logic và kỹ năng làm việc nhóm tốt. Bên cạnh đó bạn cần phải có sự kiên nhẫn, sự sáng tạo và ham học hỏi để không những cập nhật kiến thức và thông tin về các công nghệ mới.
Vì vậy, nếu có đam mê và có những tố chất trên thì ngành Công nghệ sinh học là ngành học phù hợp với bạn để phát triển sự nghiệp và đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Do đó hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định để đảm bảo rằng bạn hoàn toàn phù hợp và sẵn sàng theo đuổi đến cùng.
Như vậy Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch vừa tổng hợp đến bạn đọc những khó khăn của ngành Công nghệ sinh học cần được tháo gỡ. Hy vọng rằng qua bài viết này bạn đã hiểu hơn về thực trạng ngành Công nghệ sinh học ở Việt Nam từ đó có cái nhìn khách quan về ngành.