Quản lý cung ứng thuốc là một công việc thuộc ngành Dược. Để hiểu rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ và cơ hội việc làm của công việc này như thế nào? Chúng tôi xin được giải đáp dưới đây.
Quản lý cung ứng thuốc là gì?
Quản lý cung ứng thuốc là một chuỗi các hoạt động liên kết với nhau nhằm đẩm bảo cung cấp thuốc đầy đủ, đúng chất lượng, đúng giá đến tay người sử dụng một cách thuận lợi và nhanh chóng. Đây là một trong những công việc thuộc ngành Dược.
Vai trò, nhiệm vụ của quản lý và cung ứng thuốc
Quản lý cung ứng thuốc đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực Y tế. Nó là một cầu nối quan trọng giúp cho việc phân phối thuốc được kịp thời, đảm bảo chất lượng tới người sử dụng. Các khâu quản lý, cấp phát, đảm bảo chất lượng trong quá trình vận chuyển thuốc,… đều góp phần vào công cuộc hướng tới hoạt động sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.
Khi nói về vai trò, nhiệm vụ của quản lý và cung ứng thuốc thì chúng ta cần phải nói đến vai trò, nhiệm vụ của thuốc. Thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt nó yêu cầu khắt khe về chất lượng, hoạt động phân phối hay sử dụng hiệu quả.
>>> Bạn đọc có thể quan tâm tới Bảng lương của Dược sĩ theo hệ số mới nhất
Mô hình hoạt động quản lý cung ứng thuốc
Mô hình hoạt động quản lý và cung ứng thuốc trải qua những nội dung như sau: Dự đoán lượng thuốc cung ứng => Lựa chọn thuốc => Tìm kiếm, thu mua thuốc => Phân phối => Sử dụng => Quản lý thuốc.
Dự đoán lượng thuốc cung ứng
Để bắt đầu hoạt động quản lý và cung ứng thuốc, yếu tố đầu tiên mà chúng ta cần quan tâm đến chính là thực trạng tình hình cung ứng thuốc trong khu vực và đặt ra mục tiêu cần phải đạt được. Sau đó bước tiếp theo là phải xác định quy mô phân phối phù hợp để lên kế hoạch cung ứng theo 06 bước cơ bản dưới đây:
- Thiết lập một đội hình có tổ chức kế hoạch;
- Xác định mục tiêu cũng như đối tượng trong từng khu vực;
- Xác định những điểm quan trọng để tập trung phát triển;
- Mô tả thực trạng tổ chức và nguồn cung cấp sẵn có;
- Tìm ra và xác nhận những thiếu hụt;
- Thiết lập chiến lược phát triển phú hợp.
Lựa chọn thuốc
Giai đoạn này chúng ta cần xác định được các loại thuốc cần lực chọn cũng như số lượng phù hợp. Để làm được điều này bạn cần phải áp dụng theo những nguyên tắc dưới đây:
- Lựa chọn số lượng thuốc tối thiểu để điều trị những bệnh quan trọng nhất dựa trên cơ sở dịch tễ học của tần số mục tiêu;
- Thuốc được chọn phải đúng tên danh pháp;
- Chỉ chọn dạng và liều thuốc cần thiết, đáp ứng như cầu trong khu vực;
- Hoàn thiện danh mục thuốc có hệ thống và đồng nhất với nội dung điều trị.
Tìm kiếm, thu mua thuốc
Tìm kiếm, thu mua thuốc là bài toán không phải dễ dàng với bất kỳ doanh nghiệp hay cá nhân muốn tự kinh doanh nhà thuốc. Hiện nay có rất nhiều nguồn cung ứng thuốc, nhưng để lựa chọn được nơi uy tín, có độ tin cậy cao, không giới hạn thuốc thì không phải là điều dễ dàng. Để thực hiện tìm kiếm, thu mua thuốc bạn cần tuân thủ như sau:
- Xem xét lại danh mục thuốc đã lựa chọn;
- Cân bằng giữa nhu cầu và khả năng tài chính;
- Lựa chọn phương pháp thu mua tối ưu nhất;
- Giới hạn và lựa chọn cơ sở cung ứng;
- Xác định rõ các điều khoản trong hợp đồng;
- Tiếp nhận và kiểm tra khi nhận thuốc;
- Thanh toán;
- Phân phối thuốc;
- Thu thập thông tin từ người tiêu dùng.
Phân phối thuốc
Phân phối thuốc là hoạt động phân chia, di chuyển và bảo quản thuốc trong quá trình vận chuyển bằng các phương tiện khác nhau đến người sử dụng hoặc đến các điểm phân phối.
Quy tắc thực hành tốt việc phân phối thuốc đã được Bộ Y tế quy định chi tiết trong Thông tư 03/2018/TT-BYT Đây là bộ nguyên tắc, tiêu chuẩn bắt buộc phải thực hiện, gồm có 4 nội dung quan trọng nhất:
- Cung cấp thông tin về thuốc cho BN và các bên liên quan;
- Tồn trữ thuốc;
- Vận chuyển và giao nhận thuốc đến các kênh phân phối;
- Thanh toán cũng như quyết toán tiền thuốc.
Hướng dẫn sử dụng thuốc
Hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả là trách nhiệm của người Dược sĩ khi bán thuốc cho người sử dụng. Các vấn đề quan trọng cần phải chú ý khi hướng dẫn sử dụng thuốc cho người sử dụng như sau:
- Phối hợp thuốc phải đúng, không có tương tác bất lợi.
- Khả năng tuân thủ điều trị của người bệnh cao
- Có hướng dẫn chỉ dẫn dùng thuốc đúng.
Công tác quản lý
Đây là khâu cuối cùng của chu trình quản lý cung ứng thuốc. Để có thể vận hành công tác này đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ, chính xác và tỉ mỉ. Nội dung quản lý bao gồm: Tổ chức cung ứng thuốc, thiết kế chiến lược giảm giá, huấn luyện để tăng năng lực cung ứng thuốc cũng như đảm bảo sự an toàn của hệ thống.
Các mô hình hoạt động
Có nhiều mô hình quản lý cung ứng thuốc khác nhau, tùy thuộc vào quy mô và đặc điểm của từng cơ sở Y tế. Bao gồm:
- Mô hình tập trung: Mọi hoạt động quản lý cung ứng thuốc được thực hiện bởi một bộ phận chuyên môn.
- Mô hình phân cấp: Các hoạt động quản lý cung ứng thuốc được phân cấp cho các khoa hoặc phòng ban.
- Mô hình kết hợp: Kết hợp giữa mô hình tập trung và mô hình phân cấp.
Xem thêm Thủ tục và điều kiện để mở quầy thuốc Tây mới nhất
Cơ hội việc làm của công việc quản lý cung ứng thuốc
Quản lý cung ứng thuốc là một công việc thuộc ngành Dược học. Theo nhiều nghiên cứu và khảo sát thì hiện nay đây là ngành được nhiều người đăng ký học cũng như làm việc lớn nhất trong hệ thống y tế.
Dù có số lượng người theo học lớn nhưng nhiều bệnh viện, cơ sở y tế, trung tâm y tế vẫn đang trong tình trạng thiếu nguồn nhân lực. Chính vì vậy, mà ngành này trở nên có nhiều tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.
Sinh viên có định hướng theo học quản lý cung ứng thuốc sau khi ra trường có thể làm việc tại khoa Dược của bệnh viện, chịu trách nhiệm về các hoạt động cung ứng thuốc. Với công việc cụ thể như là: lập hồ sơ danh mục những loại thuốc mà bệnh viện cần, cấp phát thuốc, quản lý tồn trữ thuốc, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc đúng cách, đúng liều.
Hoặc các bạn có thể trở thành các chuyên viên quản lý và phân phối trong các chuỗi cung ứng thuốc của doanh nghiệp cũng như tự đứng ra mở cửa tiệm thuốc riêng nếu có vốn hiểu biết và kiến thức kinh doanh.
Một số những lưu ý
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, các ứng dụng phần mềm đang được sử dụng ngày càng nhiều trong công tác quản lý cung ứng thuốc. Các phần mềm này giúp tự động hóa các quy trình, nâng cao hiệu quả và giảm thiểu sai sót. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý những điểm sau:
- Phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý thuốc.
- Phải có đội ngũ nhân viên có chuyên môn và kinh nghiệm.
- Nên sử dụng các hệ thống quản lý chất lượng để đảm bảo chất lượng thuốc.
- Cần thường xuyên cập nhật kiến thức về thị trường thuốc và các quy định mới.
Trên đây là những thông tin về quản lý cung ứng thuốc mà Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch vừa chia sẻ đến bạn. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn đọc định hướng được công việc của bản thân. Chúc bạn thành công.