Điều kiện mở quầy thuốc cần những gì? Thủ tục mới nhất 2024 như thế nào? Các bạn hãy cùng Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch tham khảo nhé.
Sau khi tốt nghiệp ngành Dược các bạn sinh viên sẽ có định hướng riêng cho bản thân. Trong đó, mở quầy thuốc tây cũng là một hướng đi đúng đắn của một Dược sĩ.
1. Điều kiện mở quầy thuốc tây là gì?
Trong bản dự thảo Luật Dược được Quốc Hội thông qua ngày 10/04/2016 cho biết điều kiện để mở nhà thuốc, quầy thuốc như sau:
- Người chịu trách nhiệm chuyên môn phải có bằng tốt nghiệp ngành Dược (Nếu mở nhà thuốc phải có bằng dược sĩ hệ đại học; còn mở quầy thuốc tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, Trung cấp).
- Có kinh nghiệm thực hành ngành Dược tại các cơ sở chuyên môn (Nếu mở quầy thuốc ít nhất là 1,5 năm, còn nhà thuốc ít nhất là 2 năm).
- Có chứng chỉ hành nghề Dược do cơ sở Y tế cấp.
- Phải có giấy đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp phép (Ủy ban Nhân dân các cấp (xã, huyện, …) hoặc sở Kế hoạch và Đầu tư).
- Phải có địa điểm cố định, diện tích mở quầy thuốc tối thiểu là 10m2.
- Phải có đủ trang thiết bị, dụng cụ cần thiết như: Tủ trưng bày thuốc; Giá đựng thuốc; Tủ lạnh bảo quản thuốc; Cân; Sổ sách, tài liệu chuyên môn; Thiết bị Phòng cháy chữa cháy; Dụng cụ Y tế.
Theo Khoản 4, Điều 15, Nghị định số 79/2006/NĐ-CP, sau khi có bằng cao đẳng Dược được mở quầy thuốc (hiệu thuốc), quản lý tủ thuốc ở trạm Y tế và đủ hợp pháp để cấp chứng chỉ hành nghề.
2. Thủ tục mở quầy thuốc tây cần những gì?
2.1. Thủ tục hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề Dược:
- Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề Dược theo mẫu 02 Phụ lục I.
- Bản sao công chứng văn bằng tốt nghiệp ngành Dược.
- Bản gốc hoặc bản sao đã công chứng Giấy xác nhận thời gian thực hành.
- Bản sao công chứng CCCD/CMND.
- 02 ảnh thẻ với kích cỡ 4*6 (thời gian không chụp quá 06 tháng).
- Tờ khai sơ yếu lý lịch được công chứng.
- Bản gốc hoặc bản sao công chứng Giấy chứng nhận sức khỏe.
Lưu ý: Nếu trường hợp bạn bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Dược thì cần có thêm Giấy xác nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo và cập nhật các kiến thức chuyên môn để được cấp lại.
2.2. Thủ tục hồ sơ xin cấp "Giấy chứng nhận thời gian thực hành tốt"
- Đơn đăng ký xác nhận “Thực hành tốt cơ sở quầy thuốc” theo quy định.
- Bản sao công chứng Chứng chỉ hành nghề Dược.
- Bản sao Giấy phép chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Bản kê khai nhân sự bán hàng tại quầy thuốc.
- Bản kê khai cơ sở vật chất và các trang thiết bị tại quầy thuốc.
- Biên bản tự đánh giá quầy thuốc GPP dựa theo các tiêu chí Cục quản lý Dược đưa ra.
- Quy trình thao tác chuẩn SOP trong hoạt động của quầy thuốc.
- Các văn bản pháp lý liên quan khác.
Để mở được quầy thuốc bạn cần phải có giấy chứng nhận thời gian đi thực hành tốt tại cơ sở quầy thuốc. Đây sẽ là giấy chứng nhận đảm bảo độ uy tín cho hiệu thuốc của mình.
2.3. Thủ tục hồ sơ xin Giấy phép đăng ký kinh doanh
- Mẫu giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh.
- Bản sao công chứng CCCD/CMT.
- Chứng chỉ hành nghề Dược.
2.4. Thủ tục hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh Dược
- Mẫu đơn đề nghị cấp Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh quầy thuốc.
- Bản sao công chứng của Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
- Bản sao công chứng Chứng chỉ hành nghề
- Bản sao công chứng Chứng nhận đạt tiêu chuẩn GPP - đối với quầy thuốc GPP.
- Hồ sơ của dược sĩ bán hàng tại quầy thuốc (nếu có).
2.2. Trình tự thủ tục xin phép mở quầy thuốc
Căn cứ tại Điều 33 Nghị định 54/2017/NĐ-CP và khoản 12 Điều 5 Nghị định 155/2018/NĐ-CP về trình tự để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh Dược như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
- Người xin giấy chứng nhận nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận một cửa hoặc gửi qua đường bưu điện về Sở Y tế nơi đặt cơ sở kinh doanh.
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận sẽ gửi văn bản thông báo những nội dung cần phải sửa đổi theo đúng quy định.
Bước 3: Nhận kết quả
- Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày lập phiếu tiếp nhận, nếu quấy thuốc được kiểm tra đanh giá đáp ứng đủ các điện kiện thì Sở Y tế sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh Dược đối với quầy thuốc.
- Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh Dược, Sở Y tế sẽ công bố và cập nhật thông tin trên trang thông tin điện tử của cơ quan Y tế.
3. Quy định hồ sơ khi mở quầy thuốc
Các cá nhân, tổ chức sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định muốn mở quầy thuốc tây thì phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh Dược tại sở Y tế nơi có trụ sở chính.
Theo quy định tại nghị định số 54/2017/NĐ-CP và Luật Dược 2016, hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh Dược bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh Dược theo mẫu;
- Các tài liệu kỹ thuật tương ứng với cơ sở bán lẻ thuốc;
- Bản sao chứng thực giấy chứng chỉ hành nghề Dược;
- Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu pháp lý chứng minh việc thành lập cơ sở.
4. Mở quầy thuốc tây cần bao nhiêu tiền?
Về kinh nghiệm mở quầy thuốc tây bạn cần nắm được và hiểu rõ những việc cần chuẩn bị. Trong đó thì kinh phí mở quầy thuốc là vấn đề cực kỳ quan trọng mà bạn không thể bỏ qua.
4.1. Chi phí thuê mặt bằng, trang thiết bị, cơ sở vật chất
Điều kiện mở quầy thuốc thì không thể thiếu mặt bằng. Đây là yếu tố quyết định đến thành công hay không, bởi người Việt có thói quen mua thuốc gần nhà. Lựa chọn địa điểm gần khu dân cư, chợ và có nhiều người qua lại sẽ có lợi thế hơn rất nhiều.
Bạn phải dành nhiều thời gian khảo sát thị trường, tìm hiểu về vị trí địa hình để mở hiệu thuốc. Nên chọn vị trí thuận lợi, phù hợp và tiếp cận với nhiều người, nơi có không gian sạch sẽ, thoáng mát, nằm ở mặt tiền thì càng tốt. Bạn có thể tận dụng nhà của mình có mặt tiền, thuận lợi thì càng dễ kinh doanh mà tiết kiệm một khoản chi phí rất lớn đó nhé.
Xin lưu ý: Diện tích tối thiểu phải là 10m2
4.2. Chi phí thuê Dược sĩ
Với quầy thuốc có quy mô lớn thì các bạn sẽ phải thuê thêm Dược sĩ. Những chi phí trên đều là cố định và bạn phải đưa vào kế hoạch về chi phí mở quầy thuốc của mình.
4.3. Chi phí trang thiết bị, cơ sở vật chất
Về khoản trang thiết bị, cơ sở vật chất bạn cần chuẩn bị tối thiểu 50 triệu đồng. Bạn có thể trang bị thêm không gian bán hàng đầy đủ tiện nghi, thu hút được nhiều khách hàng. Đây còn là môi trường giúp bạn bảo quản thuốc tốt hơn, trừ các thuốc đòi hỏi bảo quản trong tủ lạnh, điều hòa.
4.4. Chi phí cho các loại thuốc
Chi phí nhập thuốc là mối quan tâm lớn nhất đối với những người dự định mở quầy thuốc, nhà thuốc. Đây là khoản khá lớn mà bạn cần chuẩn bị cho dự định của mình.
Với những người mới kinh doanh thuốc còn hạn hẹp về kinh phí, muốn giảm bớt chi phép nhập hàng thì bạn chỉ nên nhập những danh mục cần thiết. Lời khuyên tốt nhất cho bạn là nên tham khảo người thân, bạn bè đã từng mở quầy thuốc để tư vấn về danh mục hàng cần nhập. Thuốc sẽ được chia thành 2 phân loại là: hàng phổ thông và hàng tư vấn.
Trong đó, hàng phổ thông được dùng rộng rãi và phổ biến nên bắt buộc nhập về để đáp ứng nhu cầu ngay. Còn thuốc tư vấn cần được tư vấn về tính năng, cách sử dụng. Ban đầu bạn không cần nhập nhiều hàng tư vấn, mà dựa vào tình hình khách hàng để tính toán số lượng phù hợp.
Nguyên tắc khi mở quầy thuốc tây đó là phải đặt sức khỏe người bệnh lên hàng đầu. Mọi mặt hàng, sản phẩm thuốc đều phải đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, nói không với thuốc giả - thuốc hết hạn. Cần phải tìm hiểu nhiều nguồn hàng để đưa ra quyết định các loại thuốc tốt cho cửa hàng mình.
5. Cách nộp Thuế cho quầy thuốc Tây
Theo quy định của Nhà nước, các hộ kinh doanh sẽ phải nộp thuế gồm thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khoán khi doanh thu lớn hơn 100 triệu đồng/ năm.
Để xác định doanh thu của quầy thuốc, chủ quầy thuốc căn cứ vào khoản 2 Điều 2 tại Thông tư 92/2015/TT-BTC, Luật về thuế số 71/2014/QH13 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP.
Trên đây là những hướng dẫn chi tiết về điều kiện và thủ tục khi mở quầy thuốc tây, hi vọng sẽ hữu ích với những bạn mong muốn mở quầy thuốc cho riêng mình.