Hiện nay cùng với sự phát triển của ngành Ngoại khoa, nhu cầu của điều dường ngày càng trở nên cấp thiết. Vậy điều dưỡng ngoại khoa là gì? Công việc của người điều dưỡng ngoại khoa thế nào? Nếu bạn đang quan tâm nhưng chưa thực sự hiểu rõ về lĩnh vực này thì đừng bỏ qua bài viết với nhiều thông tin chia sẻ hữu ích dưới đây.
Điều dưỡng ngoại khoa là gì?
Điều dưỡng ngoại khoa là những người điều dưỡng viên làm việc tại khoa ngoại. Họ đảm nhận việc chăm sóc bệnh nhân từ các khoa như phòng hồi sức, phòng cấp cứu, phòng mổ chuyển đến.
Do tính chất công việc, người điều dưỡng ngoại khoa sẽ cần chú ý bảo đảm tuyệt đối thực hiện khẩn trương, chính xác và nghiêm túc các y lệnh của bác sĩ để quá trình phẫu thuật bệnh nhân diễn ra suôn sẻ.
Có thể bạn cần tìm hiểu thêm về Điều dưỡng Nhi khoa là gì? Nhiệm vụ của người Điều dưỡng Nhi khoa
Công việc của người Điều dưỡng ngoại khoa
Trong khoa ngoại có nhiều bộ phận, mỗi bộ phận có công tác, nhiệm vụ riêng, do đó vai trò công việc của người Điều dưỡng công tác ở mỗi bộ phận cũng khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh ngoại khoa đều cần được chăm sóc trước và sau khi phẫu thuật.
Người điều dưỡng phải tập trung đảm bảo nhiệm vụ chính như:
- Quan sát nhận định tình hình người bệnh.
- Đánh giá các nhu cầu cần thiết của người bệnh để phục vụ cho cuộc mổ và những vấn đề liên quan sau mổ.
- Giúp thầy thuốc trong công tác khám bệnh, chẩn đoán, phẫu thuật điều trị người bệnh.
- Thực hiện các y lệnh điều trị của người thầy thuốc.
- Lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch chăm sóc người bệnh và đánh giá kết quả chăm sóc đó.
- Hướng dẫn người bệnh và gia đình họ về các vấn đề liên quan đến bệnh để phục hồi sức khoẻ cho người bệnh.
Để hiểu rõ hơn về công việc, Trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ chi tiết công việc người Điều dưỡng ngoại khoa gồm các công việc như sau:
Tiếp đón bệnh nhân
- Thái độ của người điều dưỡng phải vui vẻ, hoà nhã, gần gũi, thân mật giúp đỡ người bệnh đến khám bệnh, giới thiệu với người bệnh về bệnh viện, khoa phòng...
- Khẩn trương chuẩn bị cho bác sĩ tiến hành khám bệnh và cộng tác với bác sĩ cùng khám (nếu cần).
- Đối với người bệnh cấp cứu, cần phải chuẩn bị nhanh chóng dụng cụ, thuốc men, cùng thầy thuốc tiến hành hồi sức tại chỗ để cứu chữa người bệnh.
- Đối với người bệnh được lưu lại theo dõi, người điều dưỡng phải tiến hành theo dõi chu đáo về huyết áp, mạch, nhiệt độ, nhịp thở, các triệu chứng lâm sàng và báo cáo lại cho bác sĩ những diễn biến của người bệnh.
- Đối với người bệnh được vào viện, tuỳ theo tình trạng nặng nhẹ, người điều dưỡng cần phải chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ, phải trực tiếp đưa người bệnh vào khoa điều trị.
- Đối với người bệnh đến làm tiểu phẫu, bó bột, cần niềm nở tiếp đón, khẩn trương tiến hành các thủ thuật hoặc hẹn và căn dặn người bệnh chu đáo.
Chuẩn bị cho người bệnh trước mổ
Có hai loại chính gồm mổ theo kế hoạch và mổ cấp cứu. Việc chuẩn bị cho người bệnh mổ tuỳ thuộc vào chương trình mổ hoặc tổ chức cơ quan của vùng cần mổ.
- Động viên an ủi người bệnh, tìm hiểu tâm sinh lý, hoàn cảnh gia đình và kinh tế, giải thích các thắc mắc lo âu của người bệnh.
- Theo dõi tình trạng diễn biến của người bệnh, báo cáo kịp thời cho bác sĩ biết và phát hiện các biến chứng xảy ra (nếu có).
- Theo dõi hàng ngày về mạch, nhiệt độ, huyết áp, cân nặng, nhịp thở, nước tiểu, phân... để nắm vững tình trạng của người bệnh.
- Tuỳ theo từng bệnh mà người điều dưỡng phải thực hiện theo dõi những yêu cầu riêng của bác sĩ.
- Thực hiện nghiêm chỉnh các y lệnh điều trị và thủ thuật cho người bệnh trong những ngày trước khi mổ.
- Chú ý theo dõi vấn đề ăn uống và giấc ngủ của người bệnh, động viên để người bệnh ăn uống tốt.
- Chuẩn bị cho người bệnh làm các xét nghiệm cần thiết, cho người bệnh đi khám các chuyên khoa theo yêu cầu của bác sĩ.
- Chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ bệnh án, giấy tờ khám bệnh có tính pháp lý, xét nghiệm, X quang.... và các thủ tục hành chính khác: Địa chỉ của người bệnh phải được ghi rõ ràng và tỉ mỉ.
- Tiến hành vệ sinh vùng mổ, cạo lông, tóc,... thay quần áo và thực hiện y lệnh tiền mê cho người bệnh.
Theo dõi và chăm sóc người bệnh sau mổ
Theo dõi, chăm sóc trong 24 giờ đầu sau mổ
- Cần động viên an ủi người bệnh, có thái độ nhẹ nhàng, thông cảm với sự đau đơn của người bệnh.
- Nâng đỡ người bệnh để nằm theo tư thế thích hợp để người bệnh đỡ đau, dễ thở, thoải mái.
- Tiếp tục theo dõi tình trạng toàn thân của người bệnh, ý thức, sắc mặt, mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ theo y lệnh cụ thể.
- Kiểm tra dấu hiệu sinh tồn: Kiểm tra 15 phút/lần, 30 phút/lần, 1giờ/lần cho tới khi dấu hiệu sinh tồn ổn định, tuỳ theo tình trạng nặng nhẹ của người bệnh.
- Theo dõi lượng dịch vào và lượng dịch ra của người bệnh: Kiểm tra y lệnh và tốc độ truyền để đảm bảo cho người bệnh được truyền đúng dịch và đúng tốc độ.
- Theo dõi và chăm sóc các ống dẫn lưu phải đảm bảo không bị gập và tắc. Phải giữ ống được thông và vô khuẩn, các ống được cố định tránh tụt và di động. Theo dõi số lượng, tính chất dịch thoát ra.
- Theo dõi vết mổ, băng và phát hiện kịp thời những biến chứng và báo ngay cho bác sĩ.
- Tiếp tục thực hiện các y lệnh về hồi sức, theo dõi và chăm sóc sau mổ, theo dõi số lượng nước tiểu trong 24 giờ.
- Đề phòng các biến chứng có thể xảy ra ngay sau khi mổ:
- Nôn: Nếu người bệnh nôn, phải để nghiêng đầu cho nôn ra khay quả đậu, lau chùi sạch sẽ đờm dãi và chất nôn.
- Ngất: Do nôn, người bệnh có thể bị ngất, mạch mất, huyết áp tụt, cần phát hiện sớm để báo ngay cho bác sĩ xử lý kịp thời.
- Ngạt: Do tụt lưỡi ra sau hoặc tắc đờm dãi, hay liệt cơ hô hấp, phải phát hiện ngay. Móc sạch đờm dãi, di vật, hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo hoặc làm hô hấp viện trợ, thở ô xy.
- Shock: Thường do chảy máu cấp sau mổ, mạch nhanh, huyết áp tụt, xem ngay băng, vết mổ và ống dẫn lưu, phát hiện ngay và báo cáo bác sĩ để hồi sức tuần hoàn khẩn cấp, kịp thời.
- Thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời các y lệnh về hồi sức, theo dõi và chăm sóc sau mổ:
- Truyền máu: Truyền dịch, trợ lực trợ tim.
- Thở oxy: Cần phải lưu ý lưu lượng oxy và lượng nước trong bình ẩm phải luôn luôn đủ và vận hành máy thở an toàn cho người bệnh, phát hiện kịp thời những hoạt động không bình thường của máy thở. Biết kỹ thuật hút và nguyên tắc hút đờm dãi trên người bệnh có máy thở. Biết sử dụng máy và theo dõi bão hoà oxy máu, tuỳ theo tình trạng hô hấp của người bệnh mà theo dõi lượng oxy trong máu 30 phút/lần hoặc 1 giờ/lần.
- Ủ ấm: Đắp chăn cho người bệnh hay chườm lạnh nếu người bệnh sốt cao.
- Người điều dưỡng phải báo cáo kịp thời những diễn biến của người bệnh cho bác sĩ biết.
- Khi người bệnh gần tỉnh, hay giãy giụa, người điều dưỡng phải chăm sóc chu đáo.
- Hướng dẫn người bệnh tập thở sâu, tập ho, khạc, nhổ, chú ý vệ sinh răng miệng và xoa bóp tay chân
Theo dõi chăm sóc người bệnh trong những ngày sau
- Theo dõi tình trạng toàn thân: Mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở và các diễn biến của người bệnh nếu có.
- Theo dõi số lượng nước tiểu, đánh trung tiện (nếu người bệnh mổ về bụng), sau khi đánh trung tiện được cho người bệnh ăn uống.
- Theo dõi ống dẫn lưu, chỉ rút ống dẫn lưu khi có chỉ định của bác sĩ.
- Theo dõi người bệnh ngồi dậy, tập cử động tay chân, tập đi men quanh giường .
- Rửa mặt, đánh răng, súc miệng, lau người, vệ sinh vùng sinh dục tiết niệu cho người bệnh.
- Thực hiện các y lệnh về điều trị, ăn uống và chăm sóc, chú ý xoay trở người bệnh đề phòng loét, viêm phổi... nếu người bệnh nằm lâu.
Chuẩn bị cho người bệnh xuất viện
- Căn dặn người bệnh về các chế độ sau khi ra viện: Chế độ nghỉ ngơi, làm việc, chế độ ăn uống tẩm bổ, kiêng khem...
- Hướng dẫn người bệnh và gia đình cách xử trí khi bị đau, cách thay đổi tư thế.
- Chế độ sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt về giữ gìn giấc ngủ.
- Cách giữ gìn và bảo vệ vết mổ.
- Các triệu chứng báo hiệu về những biến chứng có thể xảy ra.
- Cách tập luyện để hồi phục dần các chức năng sinh lý.
- Hướng dẫn người bệnh thực hiện đơn thuốc và các lời khuyên của bác sĩ sau khi ra viện.
- Chuẩn bị các giấy tờ, hướng dẫn cho người bệnh thanh toán và làm các thủ tục ra viện.
Yêu cầu của người Điều dưỡng ngoại khoa
Điều dưỡng nói chung và Điều dưỡng ngoại khoa nói riêng để thực hiện tốt công việc cần phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Đủ trình độ chuyên môn, bằng cấp Điều dưỡng hệ Đại học – Cao đẳng.
- Tinh thông nghiệp vụ, thành thạo tay nghề, thao tác kỹ thuật chính xác.
- Có ý thức và tác phong vô khuẩn trong mọi kỹ thuật và chăm sóc người bệnh.
- Không ngại khó khăn vất vả, nguy hiểm, bẩn thỉu đối với người bệnh, tất cả vì người bệnh mà cứu chữa.
- Gần gũi, thương yêu người bệnh, động viên, an ủi, thông cảm với sự đau đớn của người bệnh.
Đáp ứng được các yêu cầu trên sẽ giúp các bạn trở thành người Điều dưỡng xuất sắc.
Học Điều dưỡng ngoại khoa ở đâu?
Có thể nói trình độ chuyên môn là yếu tố quan trọng, việc học Điều dưỡng ở đâu đảm bảo chất lượng là vấn đề nhiều bạn muốn theo nghề đặc biệt lưu tâm.
Một trong những trường đào tạo Cao đẳng Điều dưỡng đa khoa thí sinh có thể lựa chọn là Trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Đây là một trong những ngôi trường đào tạo nguồn nhân lực khối ngành Y tế hàng đầu được Bộ Y tế đánh giá cao.
Khi theo học tại đây sinh viên được đào tạo trong môi trường học tập chuyên nghiệp, chương trình học đạt chuẩn Bộ cùng với sự giảng dạy tận tình của các giảng viên là Giáo sư, Tiến sĩ hàng đầu giúp sinh viên đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của nhà tuyển dụng.
Bên cạnh đó, trường còn liên kết với hệ thống bệnh viện để sinh viên tích lũy kinh nghiệm chuyên môn thực tiễn. Điều này là yếu tố giúp tỷ lệ việc làm của sinh viên trường luôn ở mức cao và ổn định. Nếu muốn tiềm hiểu rõ hơn về điều kiện và cách thức đăng ký xét tuyển Cao đẳng Điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn thêm.
Như vậy, bài viết trên đã giúp các bạn nắm được các thông tin liên quan đến Điều dưỡng ngoại khoa, hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp các bạn hiểu hơn về lĩnh vực và có định hướng nghề nghiệp đúng đắn, phù hợp với bản thân.