Để tăng tỷ lệ trúng tuyển, ngoài kiến thức chuyên môn vững vàng thì khi tham gia phỏng vấn bạn cần phải có kỹ năng ứng biến với các câu hỏi của nhà tuyển dụng. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp những câu hỏi phỏng vấn dược sĩ bán thuốc phổ biến nhất, hãy cùng theo dõi nhé!
Tuyển tập những câu hỏi phỏng vấn dược sĩ bán thuốc và cách trả lời ghi điểm
Câu hỏi phỏng vấn giới thiệu bản thân
Không chỉ riêng phỏng vấn dược sĩ, mà hầu hết mọi lĩnh vực đều bắt đầu buổi phỏng vấn với câu hỏi giới thiệu bản thân. Ngoài việc xác thực lại thông tin ghi trong CV, câu hỏi này sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá phong thái và cách trình bày của ứng viên.
Do đó câu trả lời này rất quan trọng, bởi nhà tuyển dụng sẽ có những đánh giá sơ bộ ban đầu về việc ứng viên có phù hợp hay không và đưa ra các câu hỏi tiếp theo để đánh giá kỹ năng và kinh nghiệm làm việc của bạn.
Gợi ý trả lời: Để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng ngay từ câu hỏi này, bạn nên đưa ra những thông tin cá nhân có liên quan tới vị trí ứng tuyển một cách khái quát như: trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai,... Bạn cũng có thể chia sẻ ngắn về những tính cách, sở thích liên quan đến vị trí ứng tuyển để thu hút nhà tuyển dụng, tuy nhiên cũng không nên nói quá nhiều, 2 phút là thời gian trình bày lý tưởng cho bạn.
Thách thức lớn nhất của người dược sĩ là gì?
Khi nhà tuyển dụng hỏi câu này, bạn cần chia sẻ thẳng thắn về những khó khăn mà dược sĩ hay gặp nhất, sau đó bạn có thể đề xuất các giải pháp để khắc phục.
Gợi ý trả lời: Tôi thấy khó khăn lớn nhất của người dược sĩ là không có thời gian trao đổi với bác sĩ về tình trạng của người bệnh để có thể kê thuốc phù hợp nhất cho họ, dược sĩ chỉ kê thuốc dựa theo lời kể của bệnh nhân, do đó đây chính là khó khăn lớn nhất trong công việc này. Để có thể ghi thêm điểm bạn có thể đưa ra những giải pháp phù hợp nhé.
Theo bạn công việc của người dược sĩ bán thuốc hàng ngày là gì?
Để trả lời câu hỏi này, thay vì chỉ đơn thuần liệt kê những công việc hàng ngày của dược sĩ thì bạn nên chú ý tới nhận thức của bản thân về thời gian làm việc, bạn có thể nhấn mạnh mình có thể sẵn sàng làm việc thêm giờ và cống hiến cho công ty ra sao với câu hỏi này.
Gợi ý trả lời: Tôi đã từng làm việc tại nhà thuốc A có quy mô khá lớn. Ngoài tôi, nhà thuốc còn có 3 đồng nghiệp làm việc tại đây. Mỗi ngày chúng tôi tư vấn thuốc cho người bệnh và dựa trên những triệu chứng đó để kê thuốc giúp họ mau chóng khỏi bệnh. Khi không có khách chúng tôi sẽ đi kiểm kê thuốc và liệt kê những loại thuốc gần hết để thông báo cho quản lý nhập thêm. Cuối ngày chúng tôi tổng kết sổ sách và doanh thu ngày hôm đó của nhà thuốc.
Làm thế nào để bạn cập nhật xu hướng nghiên cứu mới trong ngành dược?
Ngành dược yêu cầu dược sĩ phải không ngừng học hỏi và cập nhập các xu hướng nghiên cứu mới để việc sử dụng, quản lý thuốc được hiệu quả hơn. Để đáng giá ứng viên có tinh thần học hỏi, đam mê với công việc dược sĩ hay không, nhà tuyển dụng sẽ đặt ra câu hỏi này.
Để trả lời câu hỏi này bạn có thể đề cập tới một số cách thức giúp bạn bắt kịp xu hướng mới trong ngành như: tham khảo các hội nhóm chuyên nghiệp, đọc các loại tạp chí khoa học trong nước và quốc tế,...
Nếu như được cung cấp một sản phẩm thuốc mới, bạn dự định bán sản phẩm này như thế nào?
Câu hỏi này nhằm mục đích là kiểm tra về khả năng quản lý và điều phối quy trình bán thuốc của bạn. Lúc này bạn hãy bình tĩnh và nêu các quy trình cơ bản về bán hàng.
Gợi ý trả lời: Trước khi bán sản phẩm này tôi sẽ tìm hiểu rõ về thành phần, công dụng, ưu điểm và tác dụng phụ của sản phẩm. Tôi không cố ép khách hàng sử dụng mà thay vào đó trong quá trình tư vấn thuốc, tôi sẽ ưu tiên giới thiệu sản phẩm này trước và nêu những ưu điểm của nó để khách hàng tin tưởng sử dụng.
Bạn sẽ giải quyết như thế nào nếu như khách hàng mua thuốc rồi quay lại phản hồi là thuốc đã sử dụng một phần nhưng không có tác dụng?
Câu hỏi này sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá khả năng xử lý tình huống của ứng viên. Do đó trả lời câu hỏi này bạn cần thể hiện được sự thông minh và khéo léo của mình.
Gợi ý câu trả lời: Trước tiên tôi sẽ khẳng định với khách hàng rằng để thuốc có thể phát huy được hết tác dụng thì cần phải sử dụng hết lộ trình. Đồng thời tôi hướng dẫn lại khách hàng sử dụng thuốc đúng thời gian và liều lượng. Trong trường hợp khách hàng sử dụng hết thuốc mà vẫn không thuyên giảm, dựa vào những chính sách ưu đãi của cửa hàng tôi sẽ ưu tiên cho khách đổi sang loại thuốc khác để khách hàng tin tưởng và an tâm mua thuốc ở những lần sau.
Một số câu hỏi phỏng vấn dược sĩ bán thuốc phổ biến khác
- Hãy kể về một tình huống mà bạn đã sử dụng các kỹ năng thực tế của mình để giải quyết vấn đề?
- Theo bạn những yếu tố nào cần xem xét trước khi phân phối thuốc theo toa cho bệnh nhân?
- Nếu phát hiện người bệnh đang điều trị ở bệnh viện nhưng tự ý mua thuốc ở bên ngoài về dùng, bạn xử lý như thế nào?
- Bạn sẽ làm gì nếu bắt gặp một dược sĩ khác có hành vi ăn cắp hoặc tráo đổi thuốc?
- Trong trường hợp bạn và đồng nghiệp có xung đột về kê đơn thuốc cho người bệnh, bạn dự định giải quyết như thế nào?
- Theo bạn những lỗi mà dược sĩ cần tránh khi pha chế thuốc là gì?
- Theo bạn những phẩm chất nào là quan trọng nhất với dược sĩ?
Trên đây là những câu hỏi phỏng vấn dược sĩ bán thuốc phổ biến nhất hiện nay. Hy vọng với những gợi ý trên của Ban cố vấn Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ giúp các bạn có thể trả lời tốt cho buổi phỏng vấn của mình. Chúc các bạn tìm được công việc như ý, phù hợp với mong muốn.