Top
Đăng ký xét tuyển Online Cao Đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch
Tải mẫu đăng ký xét tuyển Trường Cao Đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Những thất bại mà sinh viên năm nhất nào cũng phải trải qua

Cập nhật: 08/08/2018 09:53 | Người đăng: Đức Huynh

Đại đa số các em tân sinh viên đều có tâm lý rằng, bước vào môi trường đại học sẽ là một môi trường vui vẻ với những trải nghiệm mới, những thành công mới. Tuy nhiên, một thực tế lại cho thấy rằng, bên cạnh những thành công đó, các em sẽ phải nếm trải những thất bại mà ngay chính các em cũng không hề ngờ tới.

Nhưng rồi chính những thất bại đó sẽ giúp cho các em trưởng thành hơn, có thêm nhiều kinh nghiệm hơn trong cuộc sống và có được những nền tảng vững chắc hơn để bước tiếp trên đường đời của chính mình.

THẤT BẠI 1: Dành quá nhiều thời gian để xả hơi đầu năm học

Có một thực tế là các em tân sinh viên đều nghĩ rằng lên đại học là để xả hơi, thư giãn sau những chuỗi ngày ôn tập vất vả cho kì thi THPT quốc gia. Cho nên đa số các em thường chú trọng việc “ăn chơi nhảy múa” hơn là việc tập trung học tập. Cộng thêm sự ủng hộ từ các bậc đàn anh, đàn chị cho rằng "Học đại học nhàn lắm" cho nên các em sinh viên năm nhất thường không quan tâm nhiều đến bài vở, quên mất xác định cho mình những mục tiêu trong thời gian học đại học, hoặc có xác định rồi thì cũng vứt đấy mà không quan tâm gì.

Kết quả là nhiều bạn vì xả hơi nhiều quá nên đến khi muốn quay về với nhịp độ học tập, rèn luyện cân bằng thì cảm thấy thật khó khăn và nản chí, nghiêm trọng hơn còn có những bạn tự đánh mất đi phương hướng của bản thân, không biết mình muốn gì và phải bắt đầu từ đâu.

Hậu quả trực tiếp của những lần “xả hơi” vô tội vạ đó là điểm số thấp, nợ môn, bản thân thiếu kỹ năng, trải nghiệm sống nghèo nàn. Hậu quả sâu xa là các em sẽ bị những người xung quanh bỏ xa, dần trở nên tụt hậu với bạn bè đồng trang lứa.

THẤT BẠI 2: Để lạc mình trong mơ hồ

Bước vào quãng đời sinh viên, sống xa nhà, xa gia đình, bạn bè, đó là khi chúng ta bắt đầu phải "tự": tự quyết định những câu hỏi liên quan đến bản thân, tự chịu trách nhiệm về những việc mình làm, tự trải nghiệm, tự sống và tự cam kết với bản thân về tương lai. Chúng ta nhận được sự quan tâm ít hơn, phải lo toan nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn. Nhưng đó chính là cơ hội để cho chúng ta trưởng thành hơn và có thêm nhiều kinh nghiệm sống hơn. Quan trọng hơn cả, chúng ta cần nỗ lực để tìm hiểu câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng trong cuộc đời như: Thực chất mình thích gì? Mình sống vì điều gì? Mình nên sống thế nào? Mình muốn hướng đến một cuộc sống thế nào?

Nhưng nhiều em tân sinh viên lại thờ ơ và bỏ qua những câu hỏi đó, sống trong sự mơ hồ, mông lung không xác định được phương hướng cũng như lý tưởng của bản thân. Các em phân vân về cuộc đời nhưng rồi chấp nhận bỏ ngỏ những câu hỏi đó. Để rồi hậu quả là nhiều bạn thả rơi cuộc sống của mình trong một đống mơ hồ. Sự bàng quan ấy dần dà tạo nên một cuộc sống mờ nhạt và đầy bứt rứt. Cuối cùng, các em không biết mình đi đâu, đang đứng ở đâu và sẽ đến đâu.

THẤT BẠI 3: Không làm mới và bổ sung bản thân

Nỗ lực học tập, tập trung cho kỳ thi THPT quốc gia đã làm cho các em quên đi việc bổ sung những kỹ năng cần thiết khác cho cuộc sống của bản thân mình. Vì vậy, khi bước lên môi trường đại học, việc cần làm của các em là phải tìm hiểu xem có những thứ gì cần bổ sung cho đủ. Đó là kỹ năng mềm, kiến thức, ngoại ngữ, và vô số thứ khác nữa.

Nhưng tâm lý xả hơi và sự mơ hồ về mục tiêu tương lai đã làm cho nhiều em quên mất đi điều đó. Các em không bỏ thời gian tìm hiểu bản thân và không có kế hoạch bổ sung cho những khuyết điểm đó của bản thân.

Có những em bào đã bao biện cho mình rằng những kỹ năng đó đến năm 3, năm 4 bổ sung cũng chưa muộn. Nhưng các em nên nhớ rằng càng về sau chương trình học càng khó và càng nhiều, đến những năm cuối các em sẽ vùi đầu vào những khóa luận, những kì thực tập, đồ án, thi kết thúc học phần, các em sẽ không có thời gian để rèn những kỹ năng mềm cho bản thân. Thực tế hiện nay lại cho thấy, cuộc sống cần nhiều thứ ở con người, không có cá nhân nào có thể khẳng định rằng mình có đầy đủ hết các kỹ năng cần thiết. Những người xuất sắc nhất là những người luôn nhận mình yếu, thiếu và luôn nỗ lực không ngừng nghỉ để bổ sung.

THẤT BẠI 4: Mất đi sự tin tưởng của những người xung quanh

Điều may mắn nhất trên đời là khi chúng ta nhận được sự tin tưởng của những người xung quanh. Các em có được mọi người tin tưởng hay không? Khi còn được tin tưởng nghĩa là cuộc sống vẫn cần sự hiện diện của các em, chúng ta vẫn tồn tại một cách có ý nghĩa.

Khi các em bước qua cánh cửa vũ môn để trở thành một tân sinh viên, thì bên cạnh niềm tự hào, các em còn nhận được rất nhiều sự tin tưởng từ phía thầy cô, bạn bè, người quen, họ hàng, đặc biệt là cha mẹ và chính bản thân mình.

Nhưng năm nhất, nhiều em lần lượt bỏ rơi đi niềm tin mà các em đã nhận được trước đó. Các em sống buông lơi, bỏ bê đi việc học tập, không phấn đầu, không có ý chí cầu tiến, không xác định trước tương lai của mình. Những thứ khác mất đi có thể dễ dàng lấy lại được nhưng còn niềm tin một khi đã mất đi thì khó có thể tìm lại được. Không dễ gì để được tin tưởng nên đừng dễ dàng đánh mất đi niềm tin và sự kỳ vọng dành cho các em.

THẤT BẠI 5: Quen dần với sự tầm thường

Thời gian đôi khi có một tác dụng khá tai hại, nó là làm cho con người chấp nhận được những thứ mà đáng lẽ ra họ không nên chấp nhận. Trong Kỳ đầu tiên, nhiều em sinh viên năm nhất có thể đã rất kinh ngạc và thất vọng vì nhận điểm số thấp ở những môn thi đầu tiên của thời sinh viên. Thực sự đó là kết quả khó tưởng tượng và khó chấp nhận. Thế rồi thêm một kỳ nữa, các em trượt một số môn, các em có buồn và thất vọng nhưng không còn thấy cắn rứt như trước. Đến 1 kỳ nữa, các em thấy đó là chuyện thường tình.

Dần dần quen dần với chuyện đó, các em không còn tự trách bản thân mình nữa. Nếu trước đây các em căm tức chính mình khi thất bại, khi không nỗ lực hết mình thì đến nay, các em tìm các lý do để đổ lỗi, để quên đi cảm giác tự kiểm điểm, để bỏ qua và vô tư nhởn nhơ như không có chuyện gì.

Có những em cho rằng “không thi lại, không học lại thì không phải là sinh viên” chính quan điểm đó đã khiến cho các em sống trong sự tầm thường. Và sự tầm thường lớn nhất là sống với sự hèn nhát và thiếu nghiêm khắc với bản thân.

THẤT BẠI 6: Để thời gian trôi đi lãng phí

Lên đại học, có một bài học mà nhiều anh chị nhận ra và mong muốn các em ghi nhớ: “Thời gian còn rất ít”. Các em đừng nghĩ các em còn nhiều thời gian, đủ để mình cứ thong thả, giải lao đi rồi sẽ chạy sau. Cho dù các em có cả thế kỷ, nhưng vẫn giữ suy nghĩ thế sớm muộn gì cũng tới ngày các em ân hận.

Đại học chỉ 4, 5 năm nhưng có quá nhiều thứ để chúng ta làm. Từ việc bổ sung cái thiếu cho đến hoàn thiện bản thân mình để mang lại giá trị cho tổ chức sau này chúng ta cống hiến. Thời gian ấy sẽ là quá ngắn đặt trong môi trường giáo dục nặng lý thuyết, thiếu thực tế.

Năm nhất, nhiều em mắc phải bệnh để thời gian trôi đi vô thưởng vô phạt. Những lịch hẹn các em bỏ dở, những việc đáng lẽ hôm nay các em làm thì lại dời sang ngày mai, ngày kia rồi dời vào quên lãng. Có nhiều thứ cuốn hút các em như phim ảnh, bạn bè, game online, truyện ngôn tình, v.v.v... để các em quên mất những việc cần phải làm. Đôi khi các em thức trắng một đêm nhưng để chơi game, đọc truyện. Lên đại học và có lẽ đến hết thời gian học đại học có lẽ nhiều em không đọc thêm một cuốn sách nào cả.

Như vậy có phải là các em sử dụng thời gian đúng cách hay không?

THẤT BẠI 7: Quá dễ dãi với bản thân

Trước khi bước vào những ngày đầu tiên của cuộc đời sinh viên, ai cũng từng nghĩ mình sẽ cố gắng phấn đấu hết mình để trở thành một con người thành công trong xã hội. Và trong đó không quên hình dung về một con người mới với những thói quen mới.

Nhưng chính sự tự dễ dãi với bản thân đã làm cho chúng ta dần quên mất đi rất nhiều thứ. Chúng ta quen dần với những thói xấu như trễ hẹn, thất hứa, trì hoãn. Chúng ta càng ngày càng không lo lắng nhiều về cuộc sống của chính mình. Chúng ta tự cho mình quyền nói "Không sao đâu, lo gì". Từ những thứ xấu, chúng ta kết nạp chúng và biến thành những thói quen ăn ở cùng chúng ta. Con người chúng ta ngày càng xấu xí hơn.

THẤT BẠI 8: Mất niềm tin vào những thứ tốt đẹp

Một thực tế cho thấy, các em sinh viên năm nhất vì nhẹ dạ cả tin, chưa có nhiều kinh nghiệm sống nên vô tình đã trở thành “con mồi” cho những kẻ lừa đảo với những chiêu trò tinh vi như bán hàng đa cấp, thuê nhà trọ ảo, mua tăm từ thiện, đầu tư kinh doanh, đặt cọc để tìm việc làm, giả nghèo khổ bệnh tật để đi xin tiền…

Các em còn được nghe bảo rằng: Học chả làm được gì, sinh viên ra trường thất nghiệp ầm ầm, không phải con ông cháu cha thì bó tay, v.v.v... Nhiều người kể cho các em nghe những câu chuyện ảm đạm về cuộc sống, về tương lai. Và rồi các em dần dần nhìn cuộc sống một cách thật tiêu cực. Từ một người hăng hái, sáng tạo, dũng cảm, thích xông pha, trải nghiệm, các em sống khép mình lại.

Cuộc sống không bao giờ đơn sắc cả. Có cả sắc màu sáng tươi hòa cùng với những sắc màu đen tối mà chúng ta không thể nào lường trước được. Quan trọng nhất vẫn là thái độ sống của chúng ta. Cần hết sức tỉnh táo nhận định vấn đề và tốt hơn hết trước khi đưa ra một quyết định gì hãy tham khảo ý kiến từ những anh chị đi trước.

THẤT BẠI 9: Ngại giao tiếp, sống khép mình

Chấp nhận môi trường mới và cố gắng để môi trường mới chấp nhận là 2 bài toán của những cô cậu tân sinh viên. Chân ướt chân ráo bước vô môi trường mới không có sự kèm cặp quen thuộc, các em thấy mọi thứ đều lạ lẫm: những người bạn cùng lớp, thầy cô, những người mà hằng ngày các em tiếp xúc. Nhiều em luôn cố gắng để hòa nhập vào môi trường mới bằng những nỗ lực như năng nổ làm quen, chia sẻ, tích cực tham gia các nhóm, hội để học cách sống hòa đồng. Những bạn ấy ắt hẳn sẽ nhận được nhiều thứ có giá trị.

Nhưng cũng không ít em ngại làm quen, ngại giao tiếp, ngại nói chuyện, kể cả đối với những người ngày ngày mình tiếp xúc, kể cả những người bạn cùng lớp, cùng chỗ ở. Các em ngày càng tách mình ra để trở thành một người không có nhiều kết nối, ít bạn bè.

Cũng có nhiều em đã cố gắng sống cởi mở nhưng môi trường mới lại từ chối mình, mọi người không đáp lại mình hoặc đáp lại bằng thái độ không như mong muốn dẫn đến các em bỏ cuộc. Đừng như vậy, trên đời luôn có những thứ thuận lợi và có những thứ khó khăn. Nếu các em cố gắng mà vẫn chưa được chấp nhận, mọi người vẫn chưa mở đáp lại em thì em hãy tiếp tục tìm kiếm vì chắc chắn sẽ có những người gắn kết với các em vì họ sẽ nhìn thấy thiện tình toát lên ở các em. Người bỏ cuộc sớm sẽ bỏ qua rất nhiều thứ quý giá, cho nên hãy kiên nhẫn và mạnh mẽ nhé.

THẤT BẠI 10: Nghĩ rằng mình không còn cơ hội để thay đổi

Thất bại là xấu xa? Thất bại là trở ngại? Sự thật không phải vậy. Hiếm ai trên đời lại không trải qua những thất bại. Có thất bại mới có thể có được sự bứt phá. Nhưng cái cốt lõi là chúng ta thừa nhận thật bại của mình và cố gắng để chống lại những thất bại đó.

Không bao giờ lại quá muộn để bắt đầu một thứ gì cả, nếu các em vẫn còn niềm tin. Hi vọng các em hiểu được rằng, mình vẫn còn cơ hội để sửa sai. Những thứ trong năm nhất các em chưa làm tốt, hãy học cách để làm lại, để trưởng thành, để xóa tan hình ảnh cũ của mình và kiến tạo một con người tích cực.

Rồi các em sẽ gặp thật bại nhiều lần. Nhưng thất bại đáng sợ nhất là các em bỏ cuộc trước thất bại, lúc đó mọi cánh cửa các em đã tự khóa chặt.

Với một sinh viên vừa trải qua năm nhất, ai dám bảo rằng các em không thể tốt hơn. Trước mắt là con đường để các em đi. Chúng ta không biết tương lai như thế nào nhưng nếu không nỗ lực chắc chắn chúng ta không thể đạt được điều tốt đẹp.

Đừng quên các em vẫn còn trẻ, mà khi còn trẻ chúng ta vẫn còn nhiều thứ để tự hào về bản thân. Hãy dùng những thứ đó để bứt phá nhé. Sự dẻo dai của bản thân, sự nhiệt tình, trách nhiệm với bản thân, sự hăng say, niềm đam mê. Chúng ta đều nắm trong tay đúng không?

Trường cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổng hợp.

Thông tin hữu ích khác
ma-nganh-cao-dang-duoc Mã ngành và Mã trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch Mã trường Cao Đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch như thế nào?. Rất nhiều thí sinh muốn đăng ký học vẫn còn chưa biết. Nắm chắc và ghi chuẩn xác mã trường... on-thi-khoi-b Bí quyết ôn thi khối B hiệu quả đạt điểm cao nhất Để đạt được điểm cao trong kỳ thi xét tuyển Đại học khối B phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vậy bí quyết ôn thi đạt điểm cao nhất là gì, cùng tìm hiểu... khoi-h04 Khối H04 gồm môn nào, ngành nào, thi trường nào? Khối H04 là khối thi được mở rộng từ khối H, khối này phù hợp với những bạn có năng khiếu về hội họa. Tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu về... cach-chon-truong-dai-hoc 5 Bước chọn trường Đại học phù hợp với bản thân Chọn trường đại học là một quyết định quan trọng trong việc xây dựng nền tảng học vấn và sự nghiệp cho tương lai. Để biết cách chọn trường đại học... may-tinh-duoc-mang-vao-phong-thi-tot-nghiep-thpt Các loại máy tính được mang vào phòng thi THPT 2024 Các loại máy tính được phép mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là vấn đề được nhiều sĩ tử quan tâm. Cùng xem danh sách gồm loại nào... chia-se-bi-quyet-on-thi-mon-toan-thpt-nam-2020-tot-nhat Mẹo ôn thi Toán THPT Quốc gia hiệu quả 2024 Làm thế nào để đạt điểm cao môn Toán? Cách ôn thi THPT quốc gia môn Toán dưới đây sẽ giúp các bạn làm bài thi hiệu quả...
Xem thêm >>



0899 955 990