Với mục đích mang lại ánh sáng đến với nhiều người, vợ chồng bà Ly Kondrot đã kết nối với Hội Nhãn khoa Hawaii và Tổ chức SEA International (Mỹ) đưa về Việt Nam 10 chiếc giác mạc của những người bạn từ nước Mỹ hiến tặng. Việc làm này không chỉ đơn thuần mang tính giúp đỡ, mà còn thể hiện sự gần gũi và tăng cường các mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt - Mỹ.
Đồng vợ, đồng chồng
Đến với Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, chắc hẳn ai cũng bất ngờ khi bắt gặp nụ cười luôn nở trên môi vị bác sĩ tên Edward Charles Kondrot. Bác sĩ là thành viên Hội Nhãn khoa Hawaii và Tổ chức SEA International, đến Việt nam cùng vợ là bà Ly Kondrot. Bên cạnh việc trực tiếp phối hợp với các y bác sĩ ở Việt Nam cấy ghép thành công 5 giác mạc( được hiến tặng từ người Mỹ qua đời hồi cuối tháng 5-2019 tới Ngân hàng mắt tại Mỹ), đặt vào mắt những bệnh nhân Việt Nam đang hy vọng nhìn thấy ánh sáng. Đôi vợ chồng bác sĩ Kondrot còn dành nhiều thời gian để khám và điều trị cho 50 bệnh nhân khác bị đục thủy tinh thể. Ngoài ra bác sĩ còn “truyền nghề” những kinh nghiệm cho các bác sĩ chuyên khoa Mắt tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.
Xuất phát là người làng Nha Xá (Hà Nam) nhưng sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Năm 1978, bà Ly Kondrot qua Mỹ định cư, cùng chồng từng đi làm thiện nguyện khắp nơi trên thế giới.
Bà Ly Kondrot chia sẻ rằng, chồng bà đã nghỉ hưu 10 năm nay nhưng luôn muốn vận dụng kiến thức về nhãn khoa để giúp đỡ các bệnh nhân nghèo. Ông bà đã quyết định đến làm việc 7 ngày/tháng tại Trung tâm điều trị mắt và chăm sóc sức khỏe ở Florida để có kinh phí mua vé máy bay, nơi ăn ở cho 2 vợ chồng trong thời gian đi tới những nơi khó khăn trên thế giới. Cả hai vợ chồng kết hợp với bác sĩ bản địa thực hiện các chương trình mổ mắt/ghép giác mạc miễn phí cho bệnh nhân nghèo, đặc biệt là trẻ em ở vùng khó khăn.

vừa được cấy ghép giác mạc thành công
Khi các con đều đã trưởng thành và muốn có thêm nhiều thời gian bên chồng giúp cho ông Kondrot thuận lợi trong công việc, nên từ 10 năm về trước, bà Ly Kondrot quyết định xin nghỉ việc tại một công ty máy tính ở Mỹ để học hỏi và trở thành người điều dưỡng đặc biệt đồng hành bên chồng trong mỗi chuyến thiện nguyện.
“Trong một chuyến thiện nguyện tại bệnh viện ở Bình Định vào đầu năm 2017, vợ chồng tôi tình cờ gặp một bệnh nhân lớn tuổi bị tổn thương về mắt do liệt dây thần kinh số 6, và chúng tôi quyết định phẫu thuật chữa trị bằng dụng cụ y tế chúng tôi mang theo. Chỉ sau ca phẫu thuật ấy, vợ chồng tôi nhận thấy kỹ thuật phẫu thuật điều trị tổn thương ở mắt tại nhiều quốc gia trên thế giới còn yếu . Đó chính là lý do chúng tôi đưa ra quyết định kết nối với Ngân hàng mắt tại Mỹ và đề xuất họ điều chuyển giác mạc đến những bệnh viện khác nhau trên thế giới để chúng tôi đến cấy ghép cho bệnh nhân, cũng như truyền nghề cho các y bác sĩ bản địa”, bà Ly Kondrot chia sẻ.
Trong mỗi lần thực hiện các chương trình thiện nguyện, vợ chồng tôi thường phải thông báo trước với Ngân hàng mắt về dự định và kế hoạch; Ngân hàng mắt sẽ tiếp nhận đề xuất và điều chuyển các giác mạc cũng như hồ sơ tới bệnh viện trước mỗi chuyến bay. Cũng bởi Việt Nam là nước thiều nhiều giác mạc nên lần này, Ngân hàng chuyển đến nhà chúng tôi 10 chiếc giác mạc và chúng tôi quyết định tặng cả 10 chiếc. Bởi thông thường Ngân hàng mắt chỉ gửi 2 đến 3 giác mạc thôi.
Tiếp tục điểm đến Việt Nam
Những ngày cùng chồng thăm khám các bệnh nhân vừa ghép giác mạc tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, bà Ly Kondrot luôn nở nụ cười trên môi, nhẹ nhàng. Ngoài là một phiên dịch cho chồng, bà còn ân cần hướng dẫn từng bệnh nhân làm theo các phương pháp khám hoặc điều trị về mắt.
Bà Ly Kondrot tâm sự: “Người ta thường nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Với tôi, đôi mắt còn là chìa khóa của sự sống. Mỗi lần tiếp xúc với những người kém may mắn sống cảnh mù lòa, tôi thường thấy họ luôn mơ ước có một lần thấy được ánh sáng, thấy được người thân. Xong mơ ước ấy quả vô cùng khó khăn, bởi gia đình họ quá nghèo thì làm sao có đủ tiền để ra nước ngoài ghép giác mạc với chi phí mỗi ca khoảng 15.000 USD. Chúng tôi sẽ đề nghị Ngân hàng mắt tại Mỹ ưu tiên giúp đỡ và sẽ tiếp tục đưa giác mạc đến Việt Nam để chữa trị cho các bệnh nhân nghèo”.
Theo bác sĩ Phạm Như Vĩnh Tuyên, Trưởng khoa Mắt - Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 (người cùng bác sĩ Edward Charles Kondrot cấy ghép giác mạc của người Mỹ quá cố hiến tặng cho các bệnh nhân Việt Nam), kể từ khi Quốc hội thông qua luật về hiến, ghép mô tạng vào tháng 11-2006, chuyên ngành mắt của Việt Nam gần đây rất phát triển với sự ra đời của Ngân hàng mắt. Song số lượng giác mạc hiến tặng vẫn rất hạn chế, khoảng 150 ca/năm từ các nguồn khác nhau, trong khi số bệnh nhân có nhu cầu ghép giác mạc ước tính trên 300.000 người. Vì vậy, việc vợ chồng bác sĩ Kondrot kết nối để có giác mạc chữa trị cho các bệnh nhân nghèo ở Việt Nam có thể nói là một món quà vô giá.
Nguồn tổng hợp: Khoa Cao Đẳng Dược Sài Gòn