Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo BVĐK tỉnh khẩn trương xác minh thông tin người nhà bệnh nhân bị rắn cắn dẫn đến tử vong là do tắc trách đến từ bác sĩ.
Khẩn trương xác minh sự việc bệnh nhân tử vong do rắn cắn
Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa ký công văn số 391/KCB-QLCL gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng đề nghị xác minh thông tin liên quan đến việc một bệnh nhân tử vong do rắn cắn.
Theo công văn, ngày 9/4, trên các phương tiện truyền thông có đưa tin "Gia đình bệnh nhân bị rắn cắn tử vong tố bác sĩ tắc trách", nội dung bài báo phản ánh về trường hợp chị Dương Kim E. (39 tuổi, trú tại xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng do bị rắn cắn và bị tử vong sau 5h nhập viện.
Gia đình cho biết, chị Kim E. bị rắn cắn nhưng các bác sĩ trực lại thờ ơ, cho rằng không phải rắn cắn mà chỉ là côn trùng khác nên không tiêm thuốc phòng ngừa. Đến khoảng 0h ngày 4/4 thì chị E. tử vong.
Sau khi vụ việc xảy ra, gia đình nạn nhân đã phản ứng trên mạng xã hội về thái độ của bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, trong đó có nội dung bác sĩ không lo cấp cứu bệnh nhân mà lo bấm điện thoại.
Về việc này, Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo BVĐK tỉnh khẩn trương xác minh thông tin trên; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và nghiêm khắc xử lý theo đúng quy định hiện hành (nếu có sai phạm). Đồng thời công khai thông tin và kết quả xác minh, xử lý cho cơ quan truyền thông; báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 20/4/2018.
Bệnh nhân bị rắn độc cắn nhưng bác sĩ không tin
Theo thông tin trên báo chí, trước đó, tối 3/4, sau khi đi làm về, chị Kim Em qua nhà cũ nấu thức ăn thì bị một con rắn cắn vào chân. Khi kiểm tra, thấy vết cắn rướm máu nên gia đình đưa chị đến BVĐK tỉnh Sóc Trăng cấp cứu. Khi nhập viện, người nhà đã nói với bác sĩ rằng chị Kim Em bị rắn cắn nhưng các BS không tin và nói sao không bắt con rắn mang lên.
Sau khi nhập viện được khoảng 5 giờ đồng hồ, đến 0 giờ ngày 4/4 chị Kim Em tử vong. Sau khi vụ việc xảy ra, gia đình nạn nhân đã phản ứng trên mạng xã hội về thái độ của bác sĩ, trong đó có nội dung bác sĩ không lo cấp cứu bệnh nhân mà lo bấm điện thoại (?) (thông tin vẫn đang chờ được xác minh).
Những điều cần làm khi bị rắn cắn
Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Cường - trưởng khoa cao đẳng Điều dưỡng trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ: Người khi bị rắn cắn nếu không không may bị rắn độc cắn mà không giữ được bình tĩnh sẽ dẫn đến sự nguy hiểm đến tính mạng chỉ trong 1 thời gian ngắn.
Khi bị rắn cắn sẽ có những triệu chứng và các bạn cần quan sát để xác định được loài rắn đã cắn; màu sắc, kích thước, hình dạng đầu, cách thức tấn công, tất cả đều hữu ích. Rồi sau đó cần:
- Nằm yên không cử động nếu không sẽ khiến máu chảy và truyền nọc đọc đến tim nhanh hơn.
- Cố định chân tay nhưng không được hạn chế sự lưu thông của máu trừ khi chúng ta biết chắc loài rắn đã cắn có nọc độc tác động đến thần kinh.
- Nới lỏng quần áo của nạn nhân và nếu cần thiết có thể cởi các đồ trang sức ở vùng bị cắn.
- Cần phải theo dõi sát tình trạng hô hấp của bệnh nhân, nếu bệnh nhân thở nhanh > 30 lần/phút, yếu, hoặc xuất hiện tím môi phải hô hấp nhân tạo ngay. Vì nguyên nhân tử vong hàng đầu là suy hô hấp do liệt cơ hô hấp, nên nếu không được hô hấp nhân tạo kịp thời, có thể bệnh nhân sẽ chết trước khi đến được bệnh viện.
- Nếu bệnh nhân bị hoại tử: rửa sạch bằng nước muối sinh lý, dùng gạc sạch đậy lên, băng lại, rồi chuyển đi bệnh viện.
- Đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, cần đưa đến bệnh viện lớn, nơi có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu, vì huyết thanh kháng nọc rắn nên dùng sớm, tốt nhất trong 4 giờ đầu. Tuy nhiên nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê hay yếu liệt nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
- Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24-48 giờ, việc điều trị hiệu quả rất kém hoặc không hiệu quả.
Nguồn: Trường cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch