Đó là một trong những điểm mới tại Luật Giáo dục, vừa được thông tin tại buổi họp báo của Văn phòng Chủ tịch nước về lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy, sáng ngày 4/7.
Báo cáo về nội dung cơ bản trong luật này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã luật hóa chủ trương đổi mới chương trình trong sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13.
Theo đó, Luật Giáo dục quy định chương trình giáo dục phổ thông phải thể hiện được mục tiêu giáo dục phổ thông; quy định yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi cả nước; quy định phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp, mỗi cấp học của giáo dục phổ thông; thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với mọi điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông, ban hành chương trình giáo dục phổ thông sau khi hội đồng quốc gia thẩm định...
Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu các chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa, thực hiện việc xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa.
Điểm mới khác trong luật bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận và việc chuyển đổi loại hình trường từ trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; quy định cụ thể về vị trí, chức năng, thành phần hội đồng trường.
Cụ thể, trong Luật Giáo dục bổ sung quy định trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là trường mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi trong quyết định thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình trường; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường. Đồng thời, luật còn bổ sung nguyên tắc chuyển đổi loại hình nhà trường từ trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận và giao Chính phủ quy định cụ thể.
Quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm cũng là điểm mới đáng chú ý.
Luật Giáo dục quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định trong ngành thì phải bồi hoàn toàn bộ khoản kinh phí nhà nước đã hỗ trợ trong thời gian theo học. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.
Ngoài ra, học sinh, sinh viên ngành sư phạm còn được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội và miễn, giảm học phí. Quy định này nhằm khắc phục những hạn chế của chính sách không phải đóng học phí của học sinh, sinh viên sư phạm quy định tại Luật Giáo dục hiện hành, Bộ Giáo dục và đào tạo lý giải.
Với quy định về đầu tư và tài chính cho giáo dục, Luật Giáo dục quy định Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Luật Giáo dục đã sửa đổi quy định quản lý chặt chẽ nguồn thu, chi tài chính, quản lý tài sản theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Quản lý sử dụng tài sản công đối với các cơ sở giáo dục công lập; nhấn mạnh trách nhiệm giải trình, thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thuế và công khai tài chính theo quy định của pháp luật.
Gồm 9 chương, 115 điều, Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Nguồn tổng hợp: Trường Cao Đẳng Y Dược TPHCM