Với nam giới khi chọn nghề y là xác định sẽ phải đối mặt với trực đêm, với áp lực công việc bộn bề, đi sớm về khuya… Những gánh nặng ấy khi đặt trên vai một người phụ nữ lại càng vất vả hơn.
Trước những ca bệnh đặc biệt, trước áp lực trong công việc, điều gì giúp chúng tôi vượt qua được? Đó chính là bệnh nhân của chúng tôi. Nếu như một bác sĩ cảm thấy họ có thể mang lại điều gì cho người bệnh của mình, khiến bệnh nhân hài lòng, mang lại cho họ sức khỏe thì đó cũng chính là niềm vui với bác sĩ. Nghề y là một nghề như vậy, vừa nguy hiểm, vừa vất vả nhưng lại mang động lực vô hình, giúp chúng tôi vượt qua khó khăn.
Công việc nghề y với phụ nữ thật sự khó khăn vì phải cân đối hài hòa giữa công việc – gia đình, nhưng thực sự mà nói thì bản thân tôi vẫn không thể cân đối, hài hòa được. Có những đêm con tôi ốm, nhưng ca trực thì lại chẳng thể đổi. Dù đã cho con ăn rồi uống thuốc , nhưng ruột gan tôi lại cứ như lửa đốt, vì bản năng của người mẹ luôn muốn bên cạnh con.
Chúng tôi đã bắt buộc phải “bỏ bớt” một trong nhiều thứ, nếu quá "ôm đồm" thì lại kiệt sức. Thế mới nghĩ, phụ nữ làm nghề y cần nhiều hơn sự hỗ trợ, một “điểm tựa” để chị em có thể tiếp tục theo đuổi niềm đam mê trong công việc.
Thực ra “điểm tựa” ở đây mà tôi mong muốn cũng chẳng phải là gì quá cao siêu. Đôi khi sự quan tâm của chồng, hiểu cho công việc của tôi, rồi những đứa con ngoan ngoãn nghe lời, chăm ngoan học giỏi đã giúp tôi đỡ mệt mỏi đi rất nhiều phần. Chẳng có món quà nào tuyệt vời hơn những điều đó, để tôi có thể yên tâm hoàn thành công việc, hết mình cho cái tâm trong nghề.
Vậy nên mới nói, “Nghề Y không như là mơ”, những nam bác sĩ luôn có một sức mạnh phi thường, nhưng tôi luôn tin những nữ bác sĩ thực sự còn phi thường hơn.